Bại não, chậm phát triển vận động
1.1. Khái niệm
Bại não là thuật ngữ dùng để chỉ một nhóm các rối loạn thần kinh trung ương ảnh hưởng đến sự kiểm soát vận động, tư thế, giác quan, tâm thần và hành vi, gây nên do tổn thương não không tiến triển xảy ra vào giai đoạn trước, trong và sau khi sinh cho đến 2 tuổi.
Tần xuất: Bại não thường ít khi được chẩn đoán sớm trước 2 tuổi. Với lứa tuổi trên 3 thì tần suất bại não vào khoảng 2-3 trường hợp/1000 trẻ. Đây là một tỷ lệ khá cao đối với một bệnh mạn tính, ngay cả ở Mỹ cũng có trên nửa triệu bệnh nhân bại não.
Trẻ bại não bị khiếm khuyết nhiều chức năng khác nhau tùy thuộc mức độ tổn thương của não, trong đó hai chức năng bị tổn thương nhiều nhất là khả năng vận động và khả năng giao tiếp xã hội.
– Rối loạn vận động thường gặp là:
+ Co cứng: Tình trạng co cứng có thể ở các mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng, co cứng các cơ gấp ở tứ chi, co cứng cả các cơ thân mình gây cho trẻ tư thế vặn vẹo, thường do tổn thương ở hồi trán lên.
+ Múa vờn: thường do tổn thương các nhân vùng nền não, đó là các động tác bất thường không chủ động của tay, các ngón tay, chân, có thể cả thân mình.
+ Thất điều: mất điều hòa vận động làm dáng đi bất thường, khó thực hiện các động tác phức tạp cần có sự phối hợp nhiều nhóm cơ.
+ Phối hợp các loại trên ở cùng một trẻ.
– Giảm khả năng giao tiếp biểu hiện:
+ Chậm phát triển trí tuệ: tùy mức độ có thể nhẹ đến nặng.
+ Rối loạn ngôn ngữ bao gồm cả thất ngôn vận động (khó diễn đạt), thất ngôn tiếp nhận (khó hoặc không hiểu lời), khó phát âm.
+ Có thể có rối loạn về nghe hoặc nhìn.
+ Giảm khả năng giao tiếp với bạn bè, người thân hoặc người khác trong cộng đồng.
1.2. Vài nét lịch sử
Vào năm 1860, William Little, một phẫu thuật viên chỉnh hình người Anh đã cho xuất bản những bài báo đầu tiên về một rối loạn khó hiểu ảnh hưởng đến trẻ em trong những năm đầu đời gây nên co cứng rõ các cơ ở chân và ở tay nhưng mức độ nhẹ hơn. Những đứa trẻ này có khó khăn trong cầm nắm đồ vật, bò và đi lại. Những rối loạn này không cải thiện khi trẻ lớn lên nhưng cũng không nặng nề hơn. Tình trạng này trong nhiều năm đầu tiên được gọi là bệnh Little. Những đứa trẻ này dường như sinh non hoặc do biến chứng trong quá trình sinh nở nên Little đưa ra giả thiết là chứng bệnh này là hậu quả của tình trạng thiếu ôxy não trong lúc sinh. Ông cho rằng sự thiếu ôxy đã làm tổn thương những vùng não nhạy cảm có chức năng kiểm soát vận động.
Tuy nhiên vào năm 1897, nhà tâm lý học người Áo Sigmund Freund đã không tán thành giả thiết này. Do quan sát thấy những trẻ này có các rối loạn khác như chậm phát triển tinh thần, rối loạn thị lực và động kinh nên Freund cho rằng rối loạn này có thể bắt nguồn từ rất sớm trong quá trình phát triển của não bộ khi trẻ còn đang trong giai đoạn bào thai. Mặc dù có những quan sát và nhận định tinh tế của Freund, cho mãi đến gần đây rất nhiều thầy thuốc, gia đình thậm chí cả các nhà nghiên cứu vẫn tin tưởng là thiếu ôxy não là nguyên nhân bại não.
Tuy nhiên vào thập niên 1980 nhờ vào những nghiên cứu quy mô lớn và với những phương pháp mới, các nhà khoa học nhận định chắc chắn rằng biến chứng của sinh khó chỉ chiếm 10% tổng số các trường hợp bại não. Trong phần lớn các trường hợp bại não, người ta vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân. Các nghiên cứu vẫn đang được tiến hành.
1.3. Nguyên nhân của bại não
Trong khoảng 70% trường hợp, bại não có thể là do những bất thường xảy ra trước sinh trong thời kỳ phát triển của bào thai làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển bình thường của não. Theo báo cáo năm 2003 của Hội Sản và Phụ khoa Hoa Kỳ (American College of Obstetricians and Gynecologists – ACOG) và Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (American Academy of Pediatrics – AAP) thì thiếu ôxy trong quá trình sinh đẻ chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong các trường hợp bại não. Mặc dù nhiều trường hợp người ta chưa thể xác định được căn nguyên nhưng các nguyên nhân đã được biết của bại não bao gồm:
1.3.1. Nguyên nhân trước sinh
– Nhiễm trùng trong thai kỳ
Các nhiễm trùng ở phụ nữ có thai như nhiễm rubella (sởi Đức), cytomegalovirus và toxoplasmosis có thể gây tổn thương não của bào thai và gây bại não sau này.
Các nhiễm trùng khác như nhiễm trùng ối, nhiễm trùng hệ tiết niệu – sinh dục của người mẹ cũng có thể gây nên sinh non, một nguy cơ khác của bại não.
– Thiếu oxy não bào thai
Khi chức năng của nhau thai bị giảm sút (suy nhau thai) hoặc bị bóc tách khỏi thành tử cung trước khi sinh (nhau bong non) hoặc do chảy máu do bám sai lệch vị trí (nhau tiền đạo) có thể làm giảm lượng ôxy cung cấp cho thai nhi.
– Các bất thường bẩm sinh khác
Các trẻ có bất thường cấu trúc hệ thần kinh, nhiều bệnh di truyền khác cũng làm tăng nguy cơ bại não.
– Mẹ bị bệnh: đái tháo đường, nhiễm độc thai nghén.
– Di truyền: yếu tố gia đình.
– Vô căn: 30% trẻ bại não không tìm thấy nguyên nhân.
1.3.2. Nguyên nhân trong khi sinh
– Sinh non
Sinh non là trẻ sinh ra trước 37 tuần thai tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt cuối cùng trước khi có thai. Những trẻ sinh non đặc biệt trước 32 tuần và nhất là trước 28 tuần thai có nguy cơ bại não rất cao. Một nghiên cứu cho thấy những trẻ sinh non có cân nặng lúc sinh thấp hơn 1500 gram có nguy cơ bại não cao gấp 30 lần so với trẻ sinh đủ tháng (trẻ sinh từ 37 đến 42 tuần thai). Lý do là trẻ sinh non có nguy cơ rất cao bị xuất huyết não gây tổn thương các tổ chức mong manh đang phát triển của não hoặc gây nên chứng nhuyễn hóa chất trắng quanh não thất.
– Ngạt trong quá trình chuyển dạ và sinh nở
Cho mãi đến gần đây người ta vẫn còn tin tưởng rộng rãi là ngạt (thiếu ôxy) trong quá trình chuyển dạ và sinh nở là nguyên nhân của hầu hết các trường hợp bại não. Tuy nhiên như trên đã nói, theo nghiên cứu của Hội Sản và Phụ khoa Hoa Kỳ và Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ thì ngạt chỉ chiếm 10% trong tổng số các bệnh nhân bại não.
– Sang chấn sản khoa
1.3.3. Nguyên nhân sau sinh
– Các bệnh máu
Bất đồng nhóm máu Rh là sự bất tương hợp nhóm máu giữa mẹ và bào thai gây nên vàng da trầm trọng và tổn thương não dẫn đến bại não. Bệnh này thường gặp ở người da trắng còn ở Việt Nam rất hiếm gặp vì tỷ lệ mang Rh (-) hiếm gặp. Tuy nhiên ở Việt Nam có thể gặp bất đồng nhóm máu ABO giữa mẹ và thai nhi.
Một bệnh khác rất nặng nề mặc dù biện pháp phòng ngừa cực kỳ đơn giản là xuất huyết não do thiếu Vitamin K ở trẻ sơ sinh và nhũ nhi cũng gây nên bại não. Các bệnh rối loạn chức năng đông máu khác cũng có thể là nguyên nhân của bại não vì làm tăng nguy cơ chảy máu trong não.
– Vàng da nhân
Vàng da trẻ sơ sinh là do sự tích tụ trong máu một loại sắc tố có tên billirubin do tốc độ phá hủy hồng cầu cao và chức năng gan chưa trưởng thành ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ đẻ non. Trong trường hợp nặng, sắc tố này có thể vượt qua hàng rào mạch máu – não và lắng đọng chủ yếu ở các nhân nền của não (do đó có tên là vàng da nhân) và làm tổn thương các cấu trúc này đưa đến thể bại não kèm múa vờn.
– Bại não mắc phải
Trẻ mắc các chứng bệnh gây tổn thương thần kinh trong hai năm đầu tiên của đời sống, ví dụ như viêm màng não mủ, viêm não, chấn thương sọ não.
1.4. Phân loại bại não
Bại não được chia thành 3 thể lâm sàng chính. Tuy nhiên trên một trẻ bại não có thể có nhiều hơn một thể bệnh kết hợp với nhau nên có thể thứ tư là thể phối hợp.
1.4.1 Bại não thể liệt cứng (spastic cerebral palsy)
Có khoảng 70 đến 80% bệnh nhân bại não thuộc nhóm này. Trẻ mắc thể này có biểu hiện các cơ co cứng, luôn ở trạng thái tăng trương lực cơ. Chính do tình trạng này mà sự vận động của bệnh nhân bại não rất khó khăn. Trẻ khó cầm nắm, bò hoặc đi. Thể lâm sàng này lại được chia làm ba phân nhóm nhỏ:
– Liệt cứng hai chi dưới (spastic diplegia):
Trẻ có bất thường co cứng rõ ở hai chi dưới. Do các cơ khép co cứng nên chân trẻ luôn bị kéo vào trong làm cho trẻ có dáng đi bắt chéo hai chân rất đặc trưng.
– Liệt cứng nửa người (spastic hemiplegia):
Thường có biểu hiện liệt cứng một bên (phải hoặc trái). Thường thì chi trên bị ảnh hưởng nặng hơn chi dưới.
– Liệt cứng tứ chi (spastic quadriplegia):
Bệnh nhân thuộc nhóm này có biểu hiện liệt cứng cả hai chi trên và hai chi dưới cùng với các cơ trục thân. Cả các cơ ở mặt cũng bị ảnh hưởng làm cho trẻ bị tàn phế rất nặng.
1.4.2. Bại não thể múa vờn hay loạn động (athetoid hay dyskinetic cerebral palsy)
Có khoảng 10 đến 20% bệnh nhân bại não thuộc vào nhóm này. Đây là thể bệnh được đặc trưng bằng sự thay đổi thất thường của trương lực cơ (lúc tăng, lúc giảm). Trẻ thường có các động tác bất thường không kiểm soát được. Các động tác này có nhịp điệu chậm, biên độ đôi khi rộng nhưng đang múa nhưng trẻ không ý thức được điều này.
Do bất thường trong kiểm soát cử động như vậy nên bệnh nhân khó có tư thế ngồi hoặc dáng đi bình thường. Ngoài ra các cơ ở mặt và lưỡi cũng bị ảnh hưởng nên trẻ khó bú (với trẻ còn bú) hoặc khó nuốt, khó nói.
1.4.3. Bại não thể thất điều (ataxic cerebral palsy)
Khoảng 5 đến 10% bệnh nhân bại não thuộc thể lâm sàng này. Bệnh ảnh hưởng chủ yếu đến cân bằng tư thế và phối hợp động tác. Do có rối loạn trong kiểm soát tư thế nên dáng đi của trẻ hay lảo đảo, vùng thắt lưng hay đong đưa. Do rối loạn khả năng phối hợp động tác nên trẻ rất khó thực hiện được các động tác đòi hỏi sự nhịp nhàng như vỗ tay theo nhịp hoặc đòi hỏi độ chính xác như viết.
1.4.4. Bại não thể phối hợp (Mixed cerebral palsy)
Trẻ bị thể phối hợp có thể bị phối hợp hai hoặc cả ba thể bại não trên, thường gặp phối hợp thể co cứng với thể múa vờn, những trường hợp này thường bị tàn tật nặng nề.
2. Lâm sàng và chẩn đoán
2.1. Hoàn cảnh phát hiện
Nếu trong thai kỳ, đặc biệt vào những tháng đầu tiên, mẹ bị các bệnh như cúm, sởi Đức (rubella), hoặc dùng một số thuốc có khả năng gây quái thai hoặc ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của ống thần kinh thì cần theo dõi đặc biệt.
Những trẻ có tiền sử sinh non, ngạt chu sinh cũng là những đối tượng có nguy cơ cao.
Tuy nhiên các bậc cha mẹ có thể theo dõi sự phát triển của con mình như lật, ngồi, bò, đi nếu có nghi ngờ bất thường thì cần đưa con đi khám bác sĩ chuyên khoa nhi ngay.
2.2. Khám lâm sàng
Mặc dù nguyên nhân bại não là do những sự kiện xảy ra trong thai kỳ và trong hai năm đầu đời sống, việc đánh giá và chẩn đoán bại não trước hai tuổi rất khó khăn.
– Khám trương lực cơ: Khám cơ lực đòi hỏi phải có chuyên môn sâu về thần kinh nhi khoa. Trương lực cơ có thể tăng hoặc giảm.
– Các phản xạ nguyên thủy: thường mất đi sau 6 tháng nhưng ở trẻ bại não thì các phản xạ này tồn tại lâu hơn.
– Trẻ nhỏ trước 12 tháng: thường không biểu hiện rõ thuận tay nào. Nhưng đối với trẻ bị bại não (nhất là thể liệt cứng nửa người) thì khuynh hướng thuận tay xuất hiện sớm (do bên liệt vận động khó, trẻ phải vận động bên lành).
– Đánh giá sự phát triển tâm thần vận động: thường có thể dựa vào các tiêu chuẩn như tiêu chuẩn Amiel-Tison hoặc thang đánh giá Denver.
– Trẻ bại não thường có các dấu hiệu sớm sau đây:
+ Khi đẻ ra không khóc ngay hoặc khóc yếu, tím tái.
+ Sau khi sinh thường mềm nhẽo, không vận động.
+ Phát triển chậm hơn trẻ khác (chậm biết giữ đầu cổ, biết ngồi và đi).
+ Không biết cầm nắm bằng hai tay hoặc chỉ cầm bằng một tay.
+ Mút, bú khó khăn, hay sặc sữa.
+ Khó bế ẵm, tắm rửa, thay quần áo cho trẻ vì người trẻ cứng đờ.
+ Đầu rũ xuống, không ngẩng lên được.
+ Nghe khó, nhìn khó.
+ Khó khăn trong giao tiếp, không nhận biết mẹ hoặc những người thân.
+ Có thể bị động kinh (cơn co giật, bất tỉnh, sùi bọt mép).
+ Thay đổi tính cách bất thường (đột nhiên khóc, rồi lại cười, hay sợ hãi, co giật, tức giận).
+ Khả năng thăng bằng kém.
2.3. Xét nghiệm hỗ trợ
Các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh như siêu âm não qua thóp, chụp cắt lớp vi tính (CT: Computerised Tomography) đặc biệt là chụp cộng hưởng từ (MRI: Magnetic Resonnance Imaging) cho biết những thông tin giá trị về tổn thương não.
Các xét nghiệm hóa sinh hay di truyền tùy theo hướng chẩn đoán trên lâm sàng.
Đo điện não đồ (EEG: Electro Encephalo Gram) cũng là một xét nghiệm cơ bản không thể thiếu trong chẩn đoán bại não cũng như các bệnh của hệ thần kinh trung ương khác.
2.4. Chẩn đoán
2.4.1. Dấu hiệu phát hiện sớm bại não khi 6 tháng tuổi
Một trẻ bị một vài yếu tố nguy cơ nói trên khi 6 tháng tuổi có
– Bốn dấu hiệu chính:
+ Trẻ có cơn co cứng hoặc/và chân duỗi cứng khi đặt đứng;
+ Trẻ không kiểm soát đầu cổ hoặc/và không biết lẫy hoặc/và nằm sấp
không ngẩng đầu.
+ Hai tay trẻ luôn nắm chặt.
+ Hai tay trẻ không biết với cầm đồ vật.
– Bốn dấu hiệu phụ:
+ Không nhận ra khuôn mặt mẹ.
+ Ăn uống khó khăn.
+ Không đáp ứng khi gọi hỏi.
+ Khóc nhiều suốt ngày đêm sau sinh.
– Một số dấu hiệu khác:
+ Mềm nhẽo sau sinh.
+ Không nhìn theo đồ vật.
+ Không quay đầu theo tiếng động.
+ Co giật.
2.4.2. Chẩn đoán thể bại não
2.4.2.1. B ại não thể co cứng
Có các dấu hiệu sau:
– Tăng trương lực cơ:
+ Khi làm vận động thụ động tại các khớp trẻ chống lại mạnh.
+ Các cơ cứng, gồng mạnh khiến trẻ vận động khó khăn.
– Giảm trương lực cơ:
Yếu các cơ nâng cổ, thân mình (đầu cổ gục, lưng cong), cơ gập mu bàn tay (bàn tay gập mặt lưng), cơ gập mu bàn chân (bàn chân thuổng)…
– Mẫu vận động bất thường:
+ Hay gập khuỷu, gập lưng bàn tay, khép vai, khép ngón cái, sấp cẳng tay,
bàn chân duỗi cứng, duỗi hoặc gập khớp gối mạnh.
+ Khi trẻ vận động chủ động thì tứ chi đều tham gia chuyển động thành
một khối (vận động khối).
– Các dấu hiệu khác: rung giật cơ (khi gập mu bàn chân nhanh thấy co giật cơ gân gót), co rút cơ (trẻ bị khép háng, gập gối, gập lưng bàn chân… mạnh).
2.4.2.2. Bại não thể múa vờn
Có các dấu hiệu sau:
– Trương lực cơ luôn thay đổi: người của trẻ lúc gồng cứng, lúc mềm, lúc bình thường.
– Vận động vô thức:
+ Thăng bằng đầu cổ kém: đầu lúc giữ thẳng lúc gục xuống, hoặc quay hai
bên liên tục.
+ Ngón tay, ngón chân cử động ngoằn ngoèo liên tục nên trẻ khó với cầm
đồ vật.
+ Môi, hàm vận động liên tục, lưỡi hay thè ra, có thể có rung giật các chi.
– Dấu hiệu khác: chảy nhiều nước rãi, có thể bị điếc ở tần số cao.
2.4.2.3. Bại não thể thất điều
Có các dấu hiệu sau:
– Trương lực cơ giảm toàn thân.
– Rối loạn điều phối vận động:
+ Kiểm soát thăng bằng đầu cổ, thân mình kém.
+ Hai tay vận động quá tầm, rối tầm, không thực hiện được động tác
tinh vi.
+ Thăng bằng khi ngồi, đứng, đi kém.
+ Đi lại như người say rượu.
2.4.2.4. Bại não thể phối hợp
Thường hay phối hợp bại não thể co cứng và múa vờn, có các dấu hiệu sau:
– Trương lực cơ thay đổi: trương lực cơ tứ chi lúc tăng mạnh lúc bình thường.
– Vận động vô thức: ngón tay – ngón chân cử động ngoằn ngoèo, miệng, lưỡi vận động liên tục, có thể có rung giật các chi giống bại não thể múa vờn.
– Vận động khối: toàn thân vận động khi trẻ muốn thực hiện một hoạt động
giống trẻ bại não thể co cứng.
2.4.2.5.Dấu hiệu chung cho tất cả các thể bại não
– Chậm phát triển vận động thô: chậm lẫy, ngồi, bò, quỳ, đứng, đi.
– Chậm phát triển vận động tinh: khiếm khuyết về sử dụng bàn tay trong cầm nắm và thực hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.
– Chậm phát triển kỹ năng giao tiếp sớm (trong 12 tháng đầu).
+ Kỹ năng tập trung: không quay đầu đáp ứng với âm thanh, đồ chơi có màu
sắc, không nhìn vào mặt mẹ, người thân.
+ Kỹ năng bắt chước lần lượt: hóng chuyện, biểu lộ tình cảm, không quay
đầu theo tiếng động.
+ Kỹ năng chơi: không với cầm đồ vật, không phối hợp tay – mắt, không thích thú với trò chơi có tính xã hội.
+ Kỹ năng giao tiếp cử chỉ: không thể hiện nét mặt, không dùng mắt để thể hiện vui thích…
– Kỹ năng:
+ Chậm phát triển kỹ năng ngôn ngữ: kỹ năng hiểu ngôn ngữ, phát âm, dùng ngôn ngữ để giao tiếp…
+ Chậm phát triển trí tuệ: một số trẻ bại não nhẹ và vừa có khả năng đi học và tiếp thu bình thường. Trẻ bại não có khó khăn về nói, chậm tiếp thu, học hành rất khó khăn và thường không được đến trường.
– Rối loạn điều hòa cảm giác:
+ Trẻ bại não không bị rối loạn cảm giác nông như nóng, lạnh, đau.
+ Một số trẻ có thể bị rối loạn điều hoà cảm giác như khi ta sờ nhẹ vào má, chạm tóc búp bê… vào người trẻ khiến trẻ phản ứng dữ dội (giật thột người, co cứng toàn thân, khóc thét…).
– Liệt các dây thần kinh sọ não: lác mắt, sụp mi, mù, điếc, méo miệng…
– Các dấu hiệu khác: trẻ bại não có thể bị cong vẹo cột sống, động kinh.
– Phản xạ nguyên thuỷ bất thường: phản xạ duỗi chéo (nhấc bổng trẻ lên, quan sát thấy hai chân của trẻ duỗi cứng và bắt chéo vào nhau).
– Phản xạ nâng đỡ hữu hiệu: đặt trẻ đứng, quan sát thấy hai chân duỗi cứng,
nhón gót.
– Phản xạ mê đạo trương lực sấp: đặt trẻ nằm sấp, trẻ không nâng đầu.
3. Các biện pháp điều trị và phục hồi chức năng
Điều trị bại não cần có sự phối hợp của nhiều chuyên ngành khác nhau, cùng phối hợp với trẻ và gia đình nhằm vạch ra được một kế hoạch cụ thể thích hợp cho từng cá nhân. Điều trị bại não nhằm giúp trẻ đạt được khả năng trí tuệ cũng như vận động tối đa có thể có chứ không thể lấy lại được những khả năng đã mất để thành một đứa trẻ hoàn toàn bình thường. Các chuyên khoa liên quan bao gồm nhi khoa, phục hồi chức năng, phẫu thuật chỉnh hình, mắt, tâm thần, chỉnh âm, dạy nghề… Nếu điều trị được thực hiện sớm và có sự phối hợp chặt chẽ của các chuyên ngành, đặc biệt là sự tham gia của gia đình thì kết quả rất khả quan. Các biện pháp cần được áp dụng:
3.1. Vật lí trị liệu
Trẻ thường được bắt đầu bằng vật lý trị liệu ngay sau khi được chẩn đoán. Điều trị này làm tăng kỹ năng vận động của trẻ như ngồi, đi, cải thiện cơ lực và phòng ngừa sư co kéo biến dạng cơ (cơ bị co rút có thể giới hạn vận động của các khớp).
Đôi khi trẻ cần được sử dụng các dụng cụ như nẹp, máng hoặc bó bột để ngừa co rút cơ và cải thiện chức năng của chân và tay. Nếu tình trạng co rút cơ quá nặng, trẻ cần được phẫu thuật chỉnh hình để làm dài cơ bị bệnh.
Oxy cao áp là biện pháp được khuyến cáo áp dụng cho trẻ bại não. Oxy cao áp giúp cải thiện triệu chứng vận động, ý thức trong nhiều trường hợp.
3.2. Sử dụng thuốc
Đôi khi cần dùng một số thuốc nhằm làm giảm bớt mức độ co cứng của cơ và làm giảm các cử động bất thường. Tuy nhiên các thuốc đường uống hiện nay không có tác dụng đáng kể.
Có thể tiêm trực tiếp Botox (botulinum toxin) vào các cơ co rút có thể giúp cải thiện triệu chứng, tác dụng có thể kéo dài vài tháng (trong thời gian này việc phục hồi chức năng thực hiện dễ dàng hơn).
Một loại thuốc khác cũng chứng tỏ tác dụng tốt đối với các trường hợp liệt cứng mức độ vừa đến nặng. Thuốc này có tác dụng chống co cơ có tên là baclofen. Để đưa thuốc vào bệnh nhân, người ta phải phẫu thuật để đưa vào dưới da một bơm tiêm, thông qua đó thuốc được bơm liên tục.
3.3. Phẫu thuật
Đối với một số trẻ có tình trạng co cứng hai chi dưới nặng nề, phẫu thuật cắt bỏ chọn lọc một số nhánh thần kinh ở lưng chi phối hoạt động chi có thể làm giảm vĩnh viễn tình trạng co cứng cũng như cải thiện khả năng vận động như ngồi, đứng, đi. Phẫu thuật này thường tiến hành khi trẻ được 2 đến 7 tuổi.
3.4. Phục hồi chức năng
Đây là biện pháp quan trọng nhất, giúp trẻ có thể vận động được, thực hiện được các công việc tự phục vụ. Đối với trường hợp nặng, tập luyện cho trẻ nhằm mục đích thực hiện được các thao tác quan trọng nhất trong cuộc sống hằng ngày như ăn, mặc, vệ sinh cá nhân. Những trường hợp nhẹ hơn, tập luyện và điều trị có thể hướng đến mục tiêu cao hơn như giao tiếp, vui chơi, và cả học tập nữa.
Điều quan trọng quyết định sự thành công của điều trị là vai trò của bố mẹ hoặc người chăm sóc trẻ. Nếu những đối tượng này tin tưởng, quyết tâm và có những kiến thức cơ bản cũng như kỹ năng thực hành thì đứa trẻ có nhiều khả năng đạt được những tiến bộ lớn nhằm giảm sự lệ thuộc của trẻ vào người khác, đảm bảo cho trẻ một cuộc sống gần với bình thường. Phục hồi chức năng cho trẻ bại não cần toàn diện, bao gồm các biện pháp:
– Vận động trị liệu: Sử dụng các bài tập vận động tùy theo thể bệnh để giúp trẻ giảm các mẫu vận động bất thường, tăng khả năng vận động bình thường.
– Hoạt động trị liệu: Sử dụng các bài tập hoạt động trị liệu, các trò chơi giúp trẻ có thể thực hiện được các hoạt động theo sự phát triển của lứa tuổi.
– Ngôn ngữ trị liệu: Giúp trẻ kiểm soát các cơ của lưỡi, hàm, tập phát âm được. Ngôn ngữ trị liệu cần được tiến hành trước tuổi trẻ đến trường và tiếp tục trong suốt thời gian đi học.
– Chăm sóc: Trẻ nhỏ cần có chế độ chăm sóc đặc biệt, cung cấp đủ dinh dưỡng, đủ ánh sáng, được giao tiếp với các trẻ khác và người lớn.
– Giáo dục hướng nghiệp: Đối với trẻ đã lớn, mức độ bại não nhẹ, việc giáo dục hướng nghiệp giúp cho trẻ có thể độc lập và hòa nhập với gia đình và xã hội.
4. Các biện pháp phục hồi chức năng
Nếu được điều trị, phần lớn trẻ em bại não có thể cải thiện đáng kể được những khả năng của mình. Mặc dù các triệu chứng có thể thay đổi theo thời gian nhưng theo như định nghĩa thì bại não là một căn bệnh không tiến triển, vì thế nếu người bệnh càng ngày càng yếu đi thì nguyên nhân có thể là do một vấn đề nào khác chứ không phải là do bại não.
4.1. Nguyên tắc phục hồi chức năng
– Cần phải tiến hành sớm với sự tham gia của người thân bệnh nhân để việc điều trị được liên tục.
– Có nhiều phương pháp được đề xuất, nhưng dù phương pháp nào cũng phải có một chương trình đầy đủ bào gồm: phục hồi các rối loạn vận động như làm bớt co cứng, múa vờn hay rối loạn trương lực cơ, tập luyện khả năng điều khiển tự chủ, điều trị các rối loạn thính giác, thị giác, động kinh nếu có.
– Tập luyện chức năng cho trẻ bại não có đặc điểm là trẻ chưa hề biết những động tác mà kỹ thuật viên tập cho trẻ, nên cần tiến hành theo trình tự phát triển vận động của trẻ bình thường.