Tư thế nằm ngủ giúp người thoái hóa đốt sống lưng giảm đau và dễ chịu hơn khi ngủ giúp cho quá trình điều trị bệnh tốt hơn là điều không phải ai cũng biết. Sau đây Y khoa Ngọc Đức xin gửi tới bạn một số tư thế nằm thích hợp để có một giấc ngủ trọn vẹn hơn, cải thiện các cơn đau nhức.
- Thoái hóa cột sống lưng là tình trạng hư tổn diễn ra tại sụn khớp, đĩa đệm và hệ thống các mô mềm như dây chằng, gân cơ xung quanh. Bệnh gây ra những cơn đau nhức dai dẳng, ê buốt.
- Thoái hóa cột sống lưng không chỉ khiến người bệnh luôn có cảm giác đau nhức mà còn làm bạn rơi vào trạng thái khó ngủ, ngủ không sâu, cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi. Hơn thế, chính những tư thế ngủ sai cách cũng khiến cho tình trạng đau nhức ngày càng xấu đi bởi áp lực khi nằm sẽ đè lên các vị trí đau nhức gây căng thẳng thêm
4 tư thế nằm giảm đau nhức do thoái hóa cột sống lưng
Tư thế 1: Nằm ngửa kê gối ở dưới lưng hoặc đầu gối
- Tư thế nằm ngửa kê gối ở dưới lưng hoặc đầu gối (Ảnh minh họa)
- Đây là tư thế cơ bản nhất, để giúp người bệnh có một tư thế thoái mái nhất trong khi ngủ.
- Bạn nằm ngửa lên giường, lưng tiếp xúc trực tiếp với bề mặt của giường, chân duỗi thẳng. Kê thêm một chiếc gối nhỏ dưới đầu gối có tác dụng cân bằng lực và điều chỉnh đường cong sinh lý cột sống vốn có. Ngoài ra, bạn có thể kê thêm một chiếc gối mỏng hoặc một chiếc khăn đã gấp dưới vùng thắt lưng để nâng đỡ cho lưng giảm bớt áp lực.
Tư thế 2: Nằm nghiêng với một chiếc gối đặt giữa hai đầu gối
- Nếu tư thể nằm ngửa khiến bạn chưa thực sự thoải mái, bạn có thể lựa chọn sang tư thế nằm nghiêng với một chiếc gối được kẹp giữa hai đầu gối. Khi nằm trên giường bạn từ từ nghiêng mình sang phải hoặc trái, cho phép vai phải hoặc trái và phần còn lại của cơ thể được tiếp xúc với nệm. Kéo hai đầu gối lên một chút. Sau đó dùng một chiếc gối đặt giữa hai đầu gối.
- Bạn nên lưu ý hai chân chỉ nên co nhẹ lên chứ không co gập. Tư thế này hỗ trợ sự tăng chân trên, giúp giảm đau khi bị thoái hóa cột sống.
- Tư thế nằm nghiêng dành cho người bị thoái hóa cột sống lưng (Ảnh minh họa)
- Nếu có một khoảng cách giữa cơ thể bạn và nệm, đặc biệt ở thắt lưng, bạn có thể xem xét sử dụng một chiếc gối nhỏ hoặc một chăn mỏng được gập lại đặt tại vị trí đó để được hỗ trợ thêm. Biện pháp kê gối này giúp nâng phần cột sống thắt lưng lên đúng vị trí và tránh sự xoay lệch quá mức của xương chậu.
- Tuy nhiên, tư thế này có thể khiến bạn bị mất cân bằng ở cơ bắp, do đó bạn không nên nằm tư thế này trong một thời gian dài. Tất nhiên chúng ta không thể kiểm soát bản thân khi ngủ những hãy cố gắng trở mình từ trái sang phải và ngược lại.
Tư thế 3: Nằm nghiêng với tư thế thai nhi
- Tương tự với tư thế nằm nghiêng ở phía trên nhưng ở tư thế này ta không sử dụng gối mà nằm với tư thế giống thai nhi trong bụng mẹ. Tư thế này mang đến cho bạn cảm giác nhẹ nhõm trong suốt giấc ngủ. Với tư thế này đầu gối của bạn có xu hướng co về phía ngực sẽ giúp cho cột sống của bạn uốn cong, mở rộng các khớp tạo sự thư giãn.
- Tư thế nghiêng giống thai nhi (Ảnh minh họa)
- Để thực hiện bạn lên giường nằm ngửa rồi từ từ chuyển về tư thế nằm nghiêng cho phép vai trái hoặc phải và phần còn lại tiếp xúc với nệm. Nhấc nhẹ đầu gối về phía ngực, đồng thời cuộn thân mình về phía đầu gối cho đến khi lưng tương đối thẳng.
- Để tránh việc mất cân bằng cơ do nằm nghiêng bạn nên đổi bên liên tục để ngăn chặn sự mất cần bằng đó.
Tư thế 4: Nằm sấp với gối đặt ở dưới bụng
- Khi nằm với tư thế sấp bạn đặt một chiếc gối mỏng ở phần dưới xương chậu và dưới bụng của bạn để giảm bớt áp lực cho cột sống không bị uốn cong quá mức khiến đĩa đệm bị chèn ép mạnh hơn. Bên cạnh đó, bạn có thể sử dụng một chiếc gối không quá mềm, không quá cứng để hỗ trợ tốt cho đầu và cổ.
- Tư thế nằm sấp với gối kê ở dưới bụng (Ảnh minh họa)
- Tư thế nằm sấp giúp vùng cổ và lưng của bạn được thư giãn tối đa.Tuy nhiên, tư thế này lại không tốt cho hệ thống hô hấp do phổi và tim bị chèn ép. Chính vì thế các chuyên gia thường khuyến cáo người bệnh không nên nằm với tư thế này trong một thời gian dài, bạn chỉ nên nằm tư thế này để chuyển mình trong thời gian ngắn.
Những lưu ý dành cho người bị thoái hóa cột sống lưng
Đệm và giường ngủ
Đối với người bị thoái hóa cột sống lưng thì việc chọn được đệm và giường phù hợp đóng vai trò rất quan trọng cho chất lượng của giấc ngủ. Một số những típ sau sẽ giúp bạn chọn được đệm phù hợp với mình:
- Đệm bạn sử dụng nên có độ cứng vừa đủ để giữ cột sống được thẳng theo trục sinh lý tự nhiên vốn có của nó. Bạn không nên sử dụng đệm quá mềm khiến cho phần lưng, hông bị chìm xuống, tạo thêm áp lực nên cột sống, dẫn đến tình trạng đau lưng càng thêm nghiêm trọng.
- Chất liệu đệm nên được làm từ những nguyên liệu có tính chất thoáng khí, mát mẻ, giúp bạn cảm giác thoải mái. Bởi khi nằm, phần lưng tiếp xúc trực tiếp không bị ra mồ hôi khó chịu, giúp bạn ngủ ngon hơn mà cơn đau cũng dịu đi nhiều.
- Khi đệm bạn đang sử dụng đã có tuổi thọ 7 – 8 năm thì bạn cần phải thay cái mới để đảm bảo cho chất lượng của giấc ngủ.
Gối ngủ
Một chiếc gối phù hợp là chiếc gối có khả năng duy trì tư thế nâng cao tự nhiên của cổ, vai và lưng. Bên cạnh đó, chiếc gối cần phải tạo được cho bạn cảm giác thoái mái, có khả năng thích nghi với những vị trí khác nhau.
- Nếu bạn lựa chọn ngủ với tư thế nằm ngửa thì chiếc gối mỏng là sự lựa chọn phù hợp với bạn. Bởi nếu trong cả một đêm dài bạn ngủ với tư thế đầu được nâng quá cao có thể tạo nên sự căng thẳng, áp lực lên cổ và lưng của bạn. Những chiếc gối này cũng là một sự lựa chọn lý tưởng nếu bạn muốn đặt chúng dưới hông hoặc thắt lưng.
- Còn nếu bạn ngủ với tư thế nghiêng thì bạn cần đến một chiếc gối dày hơn để mang đến sự cân bằng trong thời gian ngủ và giúp bạn giảm đau. Bởi khi nằm nghiêng, phần đầu cách mặt đệm một khoảng bằng vai của bạn khi đó để giúp nâng đỡ phần đầu và lấp khoảng trống giữa đầu và đệm thì chiếc gối dày là sự lựa chọn hoàn hảo trong trường hợp này.
- Trong trường hợp bạn ngủ với tư thế sấp mình, bạn có thể sử dụng một chiếc gối mỏng hoặc có thể không cần sử dụng gối. Tránh việc dùng gối dày ở tư thế này khiến cho cổ – đầu đẩy về phía sau tạo nên thêm áp lực cho đốt sống cổ và lưng.
Tắm nước ấm trước khi ngủ
Bên cạnh việc chú ý đến gối và đệm nằm, để có giấc ngủ trọn vẹn, trước khi ngủ 15 phút bạn nên tắm bằng nước ấm. Để tốt nhất, nước ấm nên được xả trực tiếp vào vùng lưng bị đau sẽ giúp cho máu được lưu thông tốt hơn. Đồng thời, nước ấm sẽ giúp bạn có cảm giác thoải mái, các bộ phận của cơ thể được thả lỏng giúp bạn dễ dàng đi vào giấc ngủ.
Tránh sử dụng các chất kích thích trước khi ngủ.
- Vào buổi tối bạn không nên sử dụng các chất kích thích như cà phê. Nếu cần thiết uống đễ giữ tỉnh táo trong ngày bạn nên hoàn thành ly cuối cùng vào trước buổi trưa
- Tránh việc vận động, luyện tập mạnh gần với thời gian bạn chuẩn bị đi ngủ. Điều này khiến cơ thể bạn sản sinh Adrenaline và tăng nhiệt độ cơ thể khiến bạn khó ngủ hơn.
- Hạn chế hoặc loại bỏ các ánh sáng từ điện thoại, tivi, màn hình máy tính. Những loại ánh sáng điện tử này gây sự “nhầm lẫn” cho cơ thể, khiến cơ thể khó rơi vào trạng thái buồn ngủ.
Thức dậy đúng cách
- Khi thức dậy, cách bạn rời khỏi giường cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến cột sống của bạn.
- Không bật dậy ngay lập tức khi vừa mới tỉnh dậy. Hành động đột ngột này sẽ khiến cho bạn bị chóng mặt. Lúc xuống giường đi lại bạn có thể bị vấp ngã. Do đó, trước khi bước xuống giường, bạn nên nằm nghiêng cạnh giường rồi từ từ đặt chân xuống. Tiếp đến, bạn hãy dùng lực ở tay nhẹ nhàng đẩy phần thân phía trên lên và từ từ ngồi dậy. Tránh tư thế xoắn vặn hoặc cong người.