Phục hồi chức năng viêm khớp dạng thấp

1.Định nghĩa. Viêm khớp dạng thấp (VKDT) là một bệnh viêm không đặc hiêu xảy ra ở các khớp gây tổn thương màng hoạt dịch, sụn khớp và đầu xương dưới sụn, diễn biến mạn tính dẫn đến tình trạng dính và biến dạng khớp.

2. Nguyên nhân. VKDT là một bệnh gặp rất phổ biến, nhưng nguyên nhân của bệnh vẫn còn chưa được hiểu biết đầy đủ. Gần đây người ta cho rằng VKDT là một bệnh tự miễn, với sự tham gia của các yếu tố sau:

– Tác nhân gây bệnh: có thể là virus, vi khuẩn, dị nguyên nhưng chưa được xác định chắc chắn.

– Yếu tố cơ địa: bệnh có liên quan rõ rệt đến giới tính (70-80% bệnh nhân là nữ) và tuổi (60-70% gặp ở người trên 30 tuổi).

– Yếu tố di truyền: VKDT có tính gia đình, có liên quan với kháng nguyên hóa hợp tổ chức HLA DR4 (gặp 60-70% bệnh nhân có yếu tố này, trong khi tỷ lệ này ở cộng đồng chỉ là 30%.

– Các yếu tố thuận lợi khác: môi trường sống ẩm thấp, cơ thể suy yếu mệt mỏi, nhiễm lạnh, phẫu thuật.

Bệnh VKDT là bệnh mang tính xã hội vì tỷ lệ mắc bệnh cao, bệnh diễn biến kéo dài, hậu quả dẫn đến tàn phế.

vltl dang thap khop

Hình ảnh: minh họa

3. Triệu chứng lâm sàng.

– Giai đoạn khởi phát: Bệnh thường khởi phát từ từ, tăng dần bắt đầu chỉ viêm 1 khớp (viêm các khớp nhỏ ở bàn tay, viêm khớp gối hoặc các khớp khác). Các khớp viêm sưng đau rõ nhưng ít đỏ và ít nóng, dấu hiệu cứng khớp buổi sáng. Giai đoạn này kéo dài vài tuần đến vài tháng rồi chuyển sang giai đoạn toàn phát.

– Giai đoạn toàn phát: thường xuất hiện viêm đau nhiều khớp như khớp cổ tay, khớp ngón gần bàn tay, khớp bàn ngón, khớp gối, khớp cổ chân, khớp ngón chân, khớp khuỷu. Tính chất viêm đa số viêm khớp có tính chất đối xứng, sưng đau và hạn chế vận động, ít có nóng đỏ. Đau nhiều về đêm gần sáng, có dấu hiệu phá gỉ khớp buổi sáng.

4. Cận lâm sàng.

– Xét nghiệm chung: Hồng cầu giảm nhẹ, tốc độ máu lắng tăng. Điện di protein thấy: albumin giảm, globulin tăng, protein C có thể dương tính.

– Các xét nghiệm miễn dịch:

+ Phản ứng Waaler Rose và Gama latex (+).

+ Phản ứng hình cánh hoa hồng dạng thấp (+).

+ Tế bào Hargraves – X quang: X quang xương bàn tay thường thấy tổn thương xuất hiện sớm và đặc hiệu. Khe khớp vùng cổ tay hẹp và mờ, về sau dính thành một khối. Đầu xương bàn tay và ngón tay xuất hiện các hình khuyết, lệch trục, hẹp khe khớp và dính khớp. Không thấy tổn thương ở ngón xa.

5. Phục hồi chức năng.

5.1. Nguyên tắc.

– Đối với đợt viêm khớp cấp, cần nghỉ ngơi, giữ tư thế đúng, dùng máng hoặc nẹp để nâng đỡ cơ năng.

– Giảm đau chống viêm bằng thuốc, bằng vật lý trị liệu.

– Điều trị các ổ viêm nhiễm nếu có.

5.2. PHCN một số khớp:

5.2.1. Bàn tay:

– Bàn tay gồm các khớp hay gặp nhất trong VKDT, ở giai đoạn muộn sẽ có biến dạng khớp thường thấy là: bàn tay nghiêng trụ do bán trật khớp bàn đốt; biến dạng gập ở khớp bàn đốt kèm theo duỗi quá ở các khớp liên đốt gần và gập ở các khớp liên đốt xa tạo cho bàn tay có hình dạng “cổ thiên nga”. Nguyên nhân của các biến dạng là sự huỷ hoại các đầu xương, sự di lệch hay đứt gân và mất cân bằng giữa các cơ bàn tay. VLTL cần chú trọng bảo vệ và PHCN vận động của bàn tay, đặc biệt là chức năng cầm nắm.

+ Giai đoạn cấp tính: chườm lạnh, vận động nhẹ nhàng bàn tay và ngón tay, đặt bàn tay và ngón tay trong máng bột hay nẹp nhựa ở tư thế: cổ tay duỗi 20 độ, khớp bàn đốt gập 45 độ, khớp liên đốt gập 30 độ, khớp liên đốt xa gập 20 độ, ngón cái duỗi và dạng.

+ Giai đoạn bán cấp và mãn tính: giảm đau bằng ngâm paraphin hay nước xoáy, vận động chủ động có trợ giúp để tăng tầm vận động của bàn tay và các ngón tay, vận động có đề kháng bằng tay và dụng cụ, tập luyện chức năng bàn tay nhất là chức năng cầm nắm, kéo giãn nhẹ các gân cơ co cứng nhưng không làm quá mức, dùng nẹp nâng đỡ bàn tay khi ngủ.

+ Chương trình tập tại nhà: hướng dẫn bệnh nhân những việc nên làm và những việc không nên làm.

* Nên làm: tập cầm nắm, kéo giãn khớp.

* Cần tránh: nắm chặt bàn tay lâu, gập cổ tay về trụ, tăng độ gập khớp bàn đốt, kéo dài thời gian ở một tư thế, tập luyện quá mức.

5.2.2. Khớp vai:

Ở khớp vai, VKDT gây viêm bao khớp và màng hoạt dịch dẫn đến hạn chế vận động khớp, có thể dẫn đến cứng khớp. Do vậy PHCN chủ yếu nhằm tăng tầm vận động khớp.

– Giai đoạn cấp tính: nghỉ ngơi, không vận động khớp; xoa bóp, chườm đá để giảm đau.

– Giai đoạn bán cấp và mãn tính: dùng nhiệt để giảm đau, mềm gân; vận động có trợ giúp để tăng tầm vận động khớp nhất là dạng và xoay; duy trì lực cơ.

– Tập tại nhà: HD bệnh nhân tập các cử động vai, nhất là cử động đung đưa để tăng tầm vận động.

5.2.3. Khớp háng và khớp gối:

Là những khớp chịu lực chính của cơ thể nên dễ bị hư khớp và cơ cứng. Do đó mục đích của PHCN là duy trì tầm vận động khớp và lực khớp.

– Giai đoạn cấp tính: nghỉ ngơi tại giường, không kê gối dưới khớp bị viêm, đặt máng bột sau gối cả ngày và đêm. vận động thụ động nhẹ nhàng để duy trì tầm vận động, gồng cơ tứ đầu đùi.

– Giai đoạn bán cấp và mãn tính: giảm đau bằng nhiệt, vận động chủ động có trợ giúp để duy trì tầm vận động, tập cơ tứ đầu đùi, tập di chuyển với nạng, đặt máng bột sau gối mỗi đêm.

– Chương trình tập ở nhà: HD bệnh nhân giữ tư thế tốt, duy trì tầm vận động khớp và tầm tăng lực cơ nhất là cơ tứ đầu đùi.

5.2.4. Bàn chân:

Là khớp chịu lực nên thường có biến dạng trầm trọng: bàn chân vẹo ngoài, ngón chân hình vuốt thú ảnh hưởng đến dáng đi. Mục đích PHCN nhằm tránh các biến dạng xấu.

– Giai đoạn cấp tính: nghỉ ngơi tại giường, duy trì tư thế cổ chân trong máng bột, vận động thụ động nhẹ nhàng.

– Giai đoạn bán cấp và mãn tính: giảm đau bằng nhiệt, vận động thụ động các khớp nhất là gân gót, kéo giãn gân cơ nếu co rút, tập di chuyển với nạng.

– Chương trình tập tại nhà: HD bệnh nhân di động các khớp cổ chân và bàn chân bằng cử động chủ động và thụ động.

ST

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top