BỆNH ĐAU LƯNG CẤP TÍNH, NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG VÀ ĐIỀU TRỊ

Các cơn đau lưng cấp tính chỉ diễn ra trong khoảng vài ngày hay vài tuần. Tuy vậy, tình trạng này lại trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người. Một số trường hợp đau lưng còn là dấu hiệu của các bệnh lý xương khớp nguy hiểm, cần có biện pháp can thiệp sớm.

Bệnh đau lưng cấp là gì?

Đau lưng cấp là tình trạng đau lưng đột ngột đi kèm với những triệu chứng nghiêm trọng nhưng ngắn hạn, thường chỉ kéo dài khoảng 6 tuần. Một số trường hợp chỉ đau vài ngày, trong khi có trường hợp cần tới vài tháng để triệu chứng biến mất hoàn toàn.

Đau lưng là tình trạng đau thắt hay đau âm ỉ tại vùng lưng trên và/hoặc vùng lưng dưới. Dựa vào thời gian khởi phát và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, tình trạng đau lưng được chia thành 2 loại là đau lưng cấp tính và đau lưng mạn tính.

Hầu hết mọi người đều đã, đang và có thể sẽ trải qua một hay nhiều cơn đau lưng cấp trong đời. Tình trạng này có xu hướng chuyển sang mạn tính nếu không được kiểm soát tốt. (1)

Nguyên nhân đau lưng cấp tính

Cơn đau lưng cấp tính có thể được kích hoạt bởi những tác động lên cột sống trong khi tập thể dục thể thao hoặc đang thực hiện các hoạt động sinh hoạt thường ngày. Các yếu tố dưới đây sẽ làm gia tăng nguy cơ bị những cơn đau lưng:

  • Thoát vị đĩa đệm lưng
  • Viêm khớp nhiễm trùng
  • Loãng xương
  • Khối u
  • Làm việc hay vận động quá sức.
  • Chấn thương do tai nạn, té ngã, va chạm mạnh khi chơi thể thao.
  • Tính chất công việc: công việc yêu cầu phải ngồi hay đứng một chỗ trong khoảng thời gian dài.
  • Thay đổi chuyển động đột ngột làm cột sống và đĩa đệm bị lệch.
Triệu chứng đau thần kinh tọa
Triệu chứng đau thần kinh tọa

Ngoài ra, chế độ ăn uống không lành mạnh, lối sống lười vận động hoặc mang giày dép quá cao… là các yếu tố thuận lợi làm khởi phát các cơn đau lưng. Các nguyên nhân gây đau lưng cấp thường không rõ ràng. Do đó, bác sĩ sẽ dựa trên tiền sử bệnh lý cùng với thăm khám để xác định nguyên nhân gây bệnh.

Triệu chứng bệnh đau lưng cấp tính

  • Đau nhói đột ngột hoặc đau nhức âm ỉ ở lưng, có thể ở vùng lưng trên hoặc lưng dưới. Đau đột ngột hay đau nghiêm trọng sau khi nâng vác vật nặng, ngồi lâu một chỗ hay nằm bất động trên giường.
  • Đau lưng khu trú hay đau dọc cột sống, đau lan rộng từ lưng sang hông và/hoặc xuống mông và các chi.
  • Đau lưng không đứng thẳng được: Cơn đau khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn khi đứng thẳng trong lúc di chuyển, xoay hay vặn mình đột ngột, có tai nạn hay chấn thương.
  • Cơn đau có thể giảm dần khi nghỉ ngơi.
  • Một số cơn đau có thể trở nặng vào buổi sáng kèm theo tình trạng cứng vùng lưng.

Tùy theo nguyên nhân gây đau và mức độ nghiêm trọng, các triệu chứng đi kèm có thể xuất hiện như:

  • Cứng hay căng cơ tại khu vực quanh cột sống, hông và xương chậu.
  • Cơ lưng bị tê yếu, cảm giác tê như kim châm.
  • Đau kèm cảm giác bỏng rát, tê bì và châm chích từ vùng thắt lưng tới cẳng chân, các ngón chân.
  • Ngứa râm ran, yếu cơ tại các khu vực ảnh hưởng.
  • Khả năng vận động suy giảm, khó đứng thẳng hay xoay người.
  • Rối loạn chức năng ruột và bàng quang dẫn tới khó khăn trong tiêu tiểu.
  • Sốt.
  • Viêm hay sưng tấy trên vùng da lưng.
  • Đau nhức tại bộ phận sinh dục.
  • Sụt cân.

Đau lưng cấp có nguy hiểm không?

Đa phần trường hợp bệnh nhân bị đau lưng cấp đều không nguy hiểm. Cơn đau sẽ thuyên giảm khi người bệnh áp dụng đúng cách các biện pháp chăm sóc. Tuy nhiên, tình trạng này tái có thể tái phát nhiều lần, nhất là khi đau lưng khởi phát do bệnh lý.

Trong trường hợp tái phát nhiều lần, nếu trì hoãn điều trị, người bệnh có thể đối mặt với các biến chứng như:

  • Đau lưng mạn tính.
  • Suy yếu cơ.
  • Khả năng vận động suy giảm.
  • Khi tình trạng tiến triển có thể dẫ đến liệt các chi.

Phương pháp chẩn đoán

Khai thác tiền sử bệnh lý và chức năng vận động

Khi thăm khám, bác sĩ thường yêu cầu người bệnh trả lời những câu hỏi như:

  • Tình trạng đau nhức lưng bắt đầu từ khi nào?
  • Trước đó, đã gặp phải tình trạng tương tự chưa? Nếu đã gặp, cơn đau kéo dài trong bao lâu?
  • Người bệnh đau nhiều nhất là ở vị trí nào?
  • Cơn đau có lan xuống đùi và chân không?
  • Sau khi có được các thông tin cần thiết, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện các động tác cơ bản (ngửa người về phía sau, cúi thấp người, xoay phải xoay trái…) kết hợp sử dụng tay ấn mạnh vào những vị trí dọc sống lưng. Thông qua việc quan sát chuyển động cùng phản ứng của người bệnh, bác sĩ có thể xác định được mức độ đau và các vị trí đau bị ảnh hưởng.

Chẩn đoán hình ảnh

Những phương pháp chẩn đoán hình ảnh gồm chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ MRI, chụp cắt lớp CT giúp bác sĩ loại trừ những nguyên nhân gây đau lưng cấp do khối u, nhiễm trùng, gãy xẹp đốt sống, thoái hóa cột sống, chấn thương dây chằng… Kết quả chẩn đoán sẽ cho bác sĩ biết cơn đau của người bệnh chỉ là tức thời hay là dấu hiệu của một bệnh lý xương khớp nào khác.

Xét nghiệm máu

Thực hiện xét nghiệm máu bao gồm số lượng hồng cầu, tiểu cầu và bạch cầu, tốc độ máu lắng, CRP…sẽ giúp xác định người bệnh có mắc những vấn đề liên quan tới nhiễm trùng xương hay u tủy xương hay không.

Phác đồ điều trị đau lưng cấp sẽ khác biệt hoàn tiền so với đau lưng mạn tính do các bệnh lý xương khớp gây nên. Vì thế, bác sĩ sẽ cần chẩn đoán chính xác nguồn gốc gây đau mới có thể đưa ra hướng điều trị phù hợp.

Cách điều trị đau lưng cấp tính

Với trường hợp nhẹ, người bệnh có thể áp dụng những biện pháp giảm đau tại nhà. Đối với các trường hợp nghiêm trọng (đau dai dẳng, đau do bệnh lý…), bạn nên dùng thuốc, áp dụng những phương pháp điều trị chuyên sâu theo hướng dẫn của bác sĩ.

Biện pháp chăm sóc và giảm đau tại nhà

Nghỉ ngơi

Nếu cơn đau xuất hiện đột ngột hay đau nghiêm trọng ảnh hưởng tới sinh hoạt, bạn nên dừng ngay mọi hoạt động và nghỉ ngơi tại chỗ. Biện pháp này giúp làm dịu cơn đau bằng việc giảm áp lực lên cột sống và các mô mềm cạnh sống. Ngoài ra, nghỉ ngơi còn giúp cơ thể thư giãn, cải thiện tình trạng căng cơ, qua đó giảm đau hiệu quả.

Châm cứu

Đây là liệu pháp được áp dụng phổ biến trong điều trị đau lưng cấp. Bác sĩ sẽ sử dụng những chiếc kim nhỏ tác động lên các huyệt đạo tương ứng.

Qua đó, người bệnh sẽ được thư giãn cơ thể và giảm đau hiệu quả.

Tập thể dục

Người bệnh được khuyên tập thể dục khoảng 30 – 45 phút mỗi ngày. Bạn có thể tập yoga, đi bộ, đạp xe, bơi lội hay thực hiện các bài tập giãn cơ đơn giản tại nhà. Vận động cơ thể với cường độ phù hợp sẽ giúp giải nén dây thần kinh, giúp máu lưu thông tốt hơn, thư giãn cơ, gia tăng sức chịu đựng và độ linh hoạt cho xương khớp. Qua đó, người bệnh sẽ bớt đau, cải thiện khả năng vận động.

Chườm ấm

Nhiệt độ cao có thể giúp làm ấm và thư giãn cơ lưng, cột sống và dây thần kinh, hỗ trợ máu lưu thông tốt hơn, qua đó giúp cải thiện tình trạng căng cơ, đau lưng và khôi phục tầm vận động cho người bệnh. Ngoài ra, biện pháp này còn giúp giảm viêm, thúc đẩy quá trình chữa lành tổn thương xương khớp của cơ thể. Bạn có thể tham khảo những cách chườm ấm dưới đây:

  • Sử dụng chai thủy tinh chứa nước ấm khoảng 70°C (có thể lấy khăn bọc quanh vỏ chai) rồi chườm và lăn trên khu vực lưng bị đau.
  • Sử dụng túi chườm ấm lên khu vực lưng bị đau.
  • Tựa lưng lên miếng đệm ấm để thư giãn, giảm đau và cải thiện tình trạng căng cơ.
  • Lưu ý thực hiện chườm ấm khoảng 2 – 3 lần/ngày. Mỗi lần khoảng 20 phút. Bạn nên thực hiện đều đặn mỗi ngày.

Chườm lạnh

Biện pháp này phát huy hiệu quả cao nhất trong 72 giờ đầu giúp giảm sưng đau đối với những cơn đau lưng khởi phát sau chấn thương. Người bệnh có thể sử dụng túi chườm hay sử dụng một chiếc khăn bọc đá lại rồi chườm lại vị trí đau khoảng 3 lần/ngày. Mỗi lần từ 15 – 20 phút. Lưu ý không dùng đá lạnh chườm trực tiếp lên da.

 

Massage

Lực tác động từ bàn tay lên lưng có thể giúp người bệnh lưu thông kinh mạch, khí huyết, thư giãn cột sống, cơ và các dây thần kinh, qua đó chữa lành các tổn thương và cải thiện tình trạng đau nhức ở lưng. Massage phù hợp cho người bệnh đau lưng do làm việc quá sức, ngồi sai tư thế, căng cơ.

Kiểm soát tốt cân nặng

Đây là biện pháp ngăn ngừa và cải thiện tình trạng đau lưng cấp hiệu quả. Vì cân nặng hợp lý sẽ giúp giảm áp lực lên cột sống, hạn chế tổn thương tiến triển. Để kiểm soát cân nặng, người bệnh nên quản lý nghiêm ngặt chế độ ăn uống. Hằng ngày, bạn nên ăn nhiều rau xanh, các loại hạt và trái cây, uống nhiều nước; tránh xa các món chế biến nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh, thức ăn đóng hộp…

Sử dụng thuốc

Nếu đã áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà nhưng cơn đau vẫn không thuyên giảm, bạn có thể sử dụng thuốc điều trị theo hướng dẫn từ bác sĩ. Các loại thuốc thường được dùng gồm:

  • Thuốc giảm đau: Paracetamol là loại thuốc giảm đau được sử dụng phổ biến trong điều trị đau lưng. Thuốc giúp hạ sốt, giảm đau nhẹ, phù hợp với người bệnh đau lưng cấp từ nhẹ tới trung bình, kèm theo triệu chứng sốt. Trong những trường hợp người bệnh không đáp ứng với điều trị các thuốc giảm đau thông thường, các loại thuốc giảm đau mạnh hơn như tramadol cũng có thể được sử dụng để kiểm soát cơn đau cấp tính. Tuy nhiên nhóm thuốc này không nên sử dụng kéo dài và cần có chỉ định và theo dõi điều trị của bác sĩ.
  • Thuốc bôi giảm đau: Với các trường hợp lưng bị đau cấp tính nhẹ bạn có thể sử dụng thuốc giảm đau dạng kem để thoa lên vùng lưng bị ảnh hưởng.
  • Thuốc kháng viêm non-steroid (NSAID): So với paracetamol, các thuốc NSAID như Ibuprofen và Naproxen có hiệu quả giảm đau tốt hơn.
  • Thuốc có tác dụng ngăn ngừa và giảm viêm hiệu quả. NSAID thường được chỉ định cho các trường hợp đau lưng cấp mức độ nhẹ tới trung bình, đau lưng do viêm cột sống. Ngoài ra, thuốc còn được dùng cho người bệnh không đáp ứng với Paracetamol.
  • Thuốc giãn cơ: Thuốc được dùng cho người bệnh đau lưng cấp do co thắt hay co cứng cơ. Thuốc giúp làm giảm triệu chứng căng cơ vùng lưng, do đó giúp giảm đau.
  • Thuốc chống trầm cảm: Thuốc được dùng cho các trường hợp đau lưng nghiêm trọng ảnh hưởng tới tâm lý và giấc ngủ hay đau do căng thẳng. Tác dụng của thuốc là an thần, điều chỉnh tâm trọng, cải thiện giấc ngủ, ngoài ra còn có tác dụng giảm đau.

Vật lý trị liệu

Để điều trị đau lưng cấp, bác sĩ sẽ thiết lập chương trình vật lý trị liệu phù hợp với tình trạng sức khỏe của mỗi người bệnh. Các bài tập căng cơ và phục hồi chức năng sẽ giúp tăng cường sức cơ, thư giãn và tăng sự linh hoạt cùng độ bền cho hệ cơ xương khớp; đồng thời giảm đau, tăng lưu thông máu và giải nén dây thần kinh.

Vật lý trị liệu giúp người bệnh hạn chế tình trạng tái phát các cơn đau lưng, giảm nguy cơ mắc bệnh xương khớp, duy trì và phục hồi khả năng vận động cho người bệnh. Sau khi kết thúc vật lý trị liệu, người bệnh sẽ hướng dẫn các bài tập để ngăn ngừa các cơn đau tái phát.

Phẫu thuật

Phần lớn trường hợp đau lưng cấp tính không cần phải điều trị phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu đã áp dụng các biện pháp điều trị nội khoa nhưng cơn đau vẫn không thuyên giảm, bác sĩ có thể chỉ định can thiệp phẫu thuật. Phương pháp phẫu thuật được áp dụng tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau lưng và được chỉ định trong một số trường hợp sau.

  • Đau lưng do hẹp ống sống, gãy xương, thoát vị đĩa đệm, dị tật bẩm sinh ở cột sống.
  • Đau lưng do dây thần kinh tủy sống bị chèn ép.
  • Đau lưng nghiêm trọng, có liên quan tới cấu trúc xương khớp khiến tầm vận động bị hạn chế hay có nguy cơ yếu cơ và bại liệt.
  • Điều trị nội khoa không hiệu quả.

Liên Hệ Với Chúng Tôi Để Được Tư Vấn Điều Trị Đau Lưng Miễn Phí

Phòng khám chuyên khoa phục hồi chức năng – Vật lý trị liệu Ngọc Đức

Chuyên tư vấn, thăm khám và điều trị bằng phương pháp Vật lý trị liệu các bệnh về Cơ Xương Khớp, cột sống lưng, cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm, thần kinh tọa …

Cơ sở I: 001 Lô H, chung cư Lê Thị Riêng, Nguyễn Giản Thanh, P.15, Q.10, TPHCM

08.22369898 – 0906.700345

Cơ sở II: Số 06, đường 6B, KDC Vĩnh Lộc, P.Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân, TP.HCM

02836060666 – 0907 289 505

phongkham@ngocduc.com.vn

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top