Đau xương âm ỉ cảnh báo nguy cơ ung thư di căn

Hãy coi chừng! Vì đau xương âm ỉ cảnh báo nguy cơ ung thư di căn.

phong-benh-dau-co-gay3

Đau xương do di căn phổi

Bà Nguyễn Thị L. 53 tuổi, trú tại Việt Trì Phú Thọ đang điều trị tại Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Bạch Mai cho biết, khoảng hơn một tháng nay, bà có biểu hiện đau ở vùng xương háng, đi lại khó khăn. Các khớp nhức mỏi khiến bà L. mệt mỏi. Bà đến bệnh viện tỉnh khám, lúc đầu các bác sĩ đã chụp khớp và phổi. Phim CT trên phổi có thấy đám mờ mờ ở đỉnh phổi phải nên bác sĩ giới thiệu bà L. xuống Khoa Ngoại Bệnh viện Bạch Mai.

 

Tại đây, bà L. được chỉ định chụp CT lồng ngực, phát hiện u phổi P kích thước 3cm và được chỉ định phẫu thuật. Vì có đau khớp háng nên bệnh nhân được làm xạ hình xương, chụp MRI sọ não có tổn thương theo dõi di căn từ u phổi phải. Sau khi có kết quả, bác sĩ đã không được chỉ định phẫu thuật mà chuyển bà L. sang Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu điều trị.

Dựa vào các kết quả xét nghiệm, chiếu chụp bệnh nhân được chẩn đoán ung thư phổi biểu mô tuyến, di căn vào não và xương. Bà L, trước đó không có triệu chứng nào ngoài đau xương. Khi phát hiện ra bệnh đã di căn vào xương.

Bà L. kể trong gia đình không có ai bị ung thư, từ trước đến nay sức khỏe của bà khá tốt, chồng có hút thuốc lá nhưng không nhiều. Khi biết mình bị ung thư phổi, giọng bà buồn rầu. Bà L. thấy nuối tiếc vì thực sự bệnh không có triệu chứng gì rõ rệt.
Hay trường hợp của anh Trương Quang M. 41 tuổi, trú tại Ý Yên, Nam Định cũng tương tự. Anh M. đi làm thợ hồ nhiều năm nay. Khoảng hơn 1 tháng nay anh thấy đau nhỏi trong xương ở vùng chậu. Hàng ngày anh đi tiêm giảm đau nhưng không ăn thua. Anh M. tưởng mình làm nặng quá nên đau xương.

Về nhà nghỉ ngơi nhưng triệu chứng đau xương không đỡ, anh đi khám tại bệnh viện tuyến tỉnh, bác sĩ chụp CT phát hiện xương có điểm đen, chụp lồng ngực phổi phát hiện khối u trong phổi. Họ nghi ngờ K nên giới thiệu anh lên Bệnh viện K trung ương. Tại đây, sau khi chụp CT phổi, khối u có kích thước 4cm. Sinh thiết phổi chẩn đoán có tế bào ung thư và di căn vào xương.

Cầm án ung thư di căn vào xương, anh M. sững sờ vì anh không thấy khó thở, ho hay có biểu hiện gì trước đó ngoài đau xương cả. Điều này khiến anh M. hoảng loạn vì ung thư phổi đã di căn tỷ lệ thành công rất thấp, bác sĩ chỉ có thể giảm đau cho anh.

Chỉ đau xương – di căn của ung thư tuyến giáp

Trường hợp của bà Bùi Thị H. 57 tuổi, trú tại Trần Hưng Đạo, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định đang điều trị giảm đau tại Bệnh viện Bạch Mai. Bà H. kể khoảng 2 tháng trước khi vào viện, bà đau xương chậu bên trái âm ỉ, lan xuống đùi và cẳng chân, đau tăng khi vận động.

Bà H. còn tưởng do trước đó bà đã phải vào viện điều trị tăng huyết áp, nằm không đúng tư thế nên đau xương. Hàng ngày, bà đến phòng khám tư tiêm giảm đau và uống thuốc giảm đau nhưng không đỡ. Một tuần sau, bà tự sờ thấy một khối rắn vùng mông trái, ấn không đau, hạn chế vận động chân trái, không đi lại được.

Bà H. lên Bệnh viện Bạch Mai khám và làm các xét nghiệm lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán bà bị ung thư tuyến giáp thể nang di căn xương và phần mền vùng chậu trái. Lúc này, bà H. còn đang bị các bệnh mãn tính là tăng huyết áp và tim mạch nên các bác sĩ phải điều trị tăng huyết áp và tim mạch trước rồi mới thực hiện điều trị giảm đau ung thư di căn cho bà.

Giáo sư Mai Trọng Khoa – Giám đốc trung tâm Ung bướu và Hạt nhân Bệnh viện Bạch Mai cho biết xương được xem như là “mảnh đất màu mỡ” cho sự tăng trưởng của tế bào ung thư vì đây là khu vực chu kỳ tế bào diễn ra liên tục nên các bệnh ung thư khi di căn thường sẽ di căn vào xương đầu tiên.

Ngoài ra, các tế bào xương cũng sản xuất ra một số chất có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của ung thư. Tế bào ung thư xâm lấn các mô bình thường lân cận, qua hệ bạch huyết và mạch máu di chuyển tới các bộ phận khác trên cơ thể. Sau khi dừng lại trong các mạch máu nhỏ ở vị trí xa hơn, chúng bắt đầu xâm nhập vào thành mạch máu và lan tỏa vào các mô xung quanh nơi chúng sinh sôi, tạo thành khối u nhỏ. Những khối u mới này cần nguồn cung cấp máu để tiếp tục tăng trưởng, do đó chúng kích thích sự phát triển của các mạch máu mới.

Khi đã lây lan đến xương, tế bào ung thư phải tránh các cuộc tấn công từ hệ miễn dịch của cơ thể. Vì thế, chúng có thể có nhiều thay đổi, điều này đồng nghĩa là các khối u mới có thể hơi khác so với khối u nguyên phát, gây khó khăn cho việc điều trị.

Khánh Ngọc/Infonet

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top