Gai cột sống là gì?
Gai cột sống là sự phát triển thêm ra của xương trên thân đốt sống, đĩa sụn hay dây chằng quanh khớp. Nguy cơ mắc bệnh này tăng theo độ tuổi và nam bị nhiều hơn nữ.
Vị trí thường mọc gai là mặt trước và bên của cột sống, hiếm khi mọc ở phía sau nên ít chèn ép vào tủy và rễ thần kinh. Gai cột sống khiến người bệnh rất khó chịu, nhất là cảm giác đau ở vùng thắt lưng, đau vai hoặc cổ do gai tiếp xúc với dây thần kinh, các xương đốt sống khi cử động, đau lan xuống cánh tay, tê chân tay, đôi khi làm giới hạn vận động. Đa số bệnh gai cột sống không gây ra dấu hiệu triệu chứng gì một cách rõ ràng. Tuy nhiên khi gai cọ xát với xương khác hoặc các phần mềm ở xung quanh như dây chằng, rễ dây thần kinh (tức là quá trình vận động) thì bệnh nhân mới thấy đau và triệu chứng thường gặp là đau vai, đau thắt lưng, tay bị tê.
Nguyên nhân nào dẫn đến gai cột sống ?
Có ít nhất 3 nguyên nhân để giải thích sự hiện diện của gai cột sống:
1. Gai xương có thể là kết quả của việc xương tự tu bổ sau khi liên tục bị chấn thương như sức ép, va chạm, cọ xát. Thí dụ những người làm nghề khuân vác nặng, người quá kí tăng áp lực lên xương khớp, người có dáng đi đứng không ngay ngắn khiến cột sống xiêu vẹo.
2. Khi đĩa liên sống hư hao, xẹp xuống, dây chằng giữa các đốt sống sẽ chùng giãn, khớp chuyển động nhiều hơn
– Phản ứng tự nhiên của cơ thể với sự chùng giãn này là làm cho dây chằng dầy lên để có sức giữ vững cột sống.
– Lâu ngày, canxi sẽ tụ lại trên dây chằng và tạo ra các gai hoặc chồi xương.
– Dây chằng ở trong ống cột sống cũng có thể dày lên, ống thu hẹp, ép vào dây thần kinh và gây ra các dấu hiệu bệnh.
3. Gai là một diễn tiến của sự hóa già. Đĩa sụn và xương bị thoái hóa, hao mòn, mặt xương khớp gồ ghề và gai mọc ra. Đó là bệnh viêm xương khớp, thường thấy ở người tuổi cao.
Nói chung, các yếu tố như Di truyền, kém dinh dưỡng, nếp sống không lành mạnh, dáng điệu đứng ngồi xấu, chấn thương liên tục (do thể thao, tai nạn xe cộ) …là những rủi ro đưa tới sự thoái hóa xương khớp và tạo gai nhanh hơn.
Triệu chứng của gai cột sống:
Đa số bệnh gai cột sống không gây ra dấu hiệu triệu chứng gì. Tuy nhiên khi gai cọ xát với xương khác hoặc các phần mềm ở xung quanh như dây chằng, rễ dây thần kinh thì bệnh nhân mới thấy đau.
– Đau thường xuất hiện ở cổ, thắt lưng, đặc biệt là khi bệnh nhân đứng hoặc đi.
– Trường hợp nặng thì đau tê ở cổ lan qua hai tay, đau ở lưng, đau dọc xuống hai chân.
– Đau tăng lên khi đi lại hay vận động nhiều. Cơn đau tăng khi cử động, giảm khi nghỉ do đó sẽ đưa tới giới hạn cử động ở các phần này.
Tuy nhiên ngoài gai cột sống, các dấu hiệu đau như vừa kể cũng thấy trong bệnh rối loạn tuần hoàn ở tứ chi, viêm hoặc nhiễm trùng cột sống. Một số dấu hiệu của gai cột sống cũng tương tự như ở các bệnh viêm thấp khớp, chấn thương lưng, đứt đĩa liên sống. Do đó chụp hình X-quang là phương thức rõ ràng để phân biệt gai cột sống với các bệnh vừa kể.
Phòng ngừa gai cột sống:
– Ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, nhất là các chất giàu canxi. Giảm cân nếu béo phì để giảm chịu lực của cột sống. Tập thể dục đặc biệt là các động tác cử động vùng cột sống cổ và vùng cột sống thắt lưng. Tránh các tư thế đứng, ngồi khom lưng, khuân vác nặng,quá lâu khi làm việc để không gây áp lực lên cột sống.
– Hạn chế khiêng vác nặng gây ảnh hưởng đến cột sống thắt lưng, tránh đội những vật nặng trên đầu gây ảnh hưởng cột sống cổ. Tránh các chấn thương ở vùng cột sống do chơi thể thao hoặc tai nạn
Điều trị gai cột sống :
Khi bị gai cột sống, nên dùng thuốc kết hợp với phương pháp châm cứu, vật lý trị liệu, tập thể dục thường xuyên. Bên cạnh đó, hạn chế làm việc nặng như bê vác, nên chơi các môn thể thao nhẹ nhàng như bơi lội, tập aerobic, yoga. Bệnh nhân phải đảm bảo trọng lượng cơ thể vừa phải, tránh tăng trọng quá mức. Về chế độ ăn, một số nghiên cứu cho rằng nên thêm muối để giúp cơ thể tái hấp thu một phần canxi vào máu. Ngoài ra người bệnh có thể sử dụng thêm các loại thuốc và thực phẩm chức năng để nâng cao hiệu quả điều trị.
Nguồn benhdaulung.vn