Bỏng là một trong những tổn thương thường gặp trong thời chiến cũng như thời bình. Phân loại bỏng dựa vào nhiều tiêu chí, gồm:
– Dựa vào nguyên nhân: bỏng nhiệt, bỏng hoá chất, bỏng điện…
– Dựa vào diện tích bị bỏng so với tổng diện tích cơ thể, tính theo phần trăm.
– Dựa vào độ sâu:
+ Bỏng độ I: không có tổn thương giải phẫu, chỉ nóng rát rồi tự hết, không để lại di chứng.
+ Bỏng độ II: tổn thương biểu bì, biểu hiện bằng các phỏng nước, khi khỏi để lại sẹo mờ.
+ Bỏng độ III: bỏng sâu, khi khỏi để lại sẹo dúm, co kéo, sẹo xấu.
1. PHCN bệnh nhân bỏng:
1.1. Mục đích:
– Phòng ngừa biến chứng do nằm lâu (bội nhiễm hô hấp, tiết niệu; loét tỳ đè…)
– Phòng ngừa co kéo da, cơ do sẹo dính.
– Giúp bong da chết đối với bỏng sâu.
– Tăng cường tuần hoàn, dinh dưỡng.
– PHCN sinh hoạt, tâm lý liệu pháp.
1.2. Phương pháp:
1.2.1. Đối với bỏng độ I, II diện tích hẹp: bệnh nhân cần tích cực vận động chủ động để duy trì lực cơ và tầm vận động khớp.
1.2.2. Bệnh nhân nặng phải nằm tại giường:
– Trong 24-48 giờ đâu: đặt đúng tư thế tránh co kéo, Thường xuyên lăn trở người, về sinh thân tể, chăm sóc tốt các điểm tỳ đè phòng tránh loét; tập thở, tập ho, vỗ rung để duy trì chức năng hô hấp, tránh nhiễm trùng hô hấp.
– Sau 48 giờ: khuyến khích bệnh nhân ngồi dậy càng sơm càng tốt, vận động nhẹ nhàng.
Hình ảnh sơ cứu khi bị bỏng
1.2.3. Đối với bệnh nhân phải băng kín:
– Dùng nước xoáy, ấm giúp làm mềm da, bong tổ chức hoại tử, giúp vận động dễ dàng.
– Có thể tập trong nước (pha muối 0,9%) giúp các khớp vận động dễ dàng hơn.
1.2.4. Đối với bỏng giai đoạn liền sẹo:
Tránh sẹo cứng, sẹo co kéo bằng các phương pháp: siêu âm, điện di, tập vận động:
+ Siêu âm: do tác dụng của siêu âm gây ra những xung động vi thể trong tổ chức, có tác dụng ngăn ngừa sự kết dính tổ chức, thậm chí có thể phá vỡ các tổ chức đã kết dính ngăn ngừa sẹo dính. Nên sử dụng siêu âm ngắt quãng cho phép tăng cường độ sóng âm nhưng không gây tăng nhiệt quá mức, nếu vùng tổn thương rộng có thể áp dụng thiết bị siêu âm qua nước.
+ Điện di: dùng ion Iod điện di vào tổ chức sẹo có tác dụng làm mềm sẹo.
+ Xoa bóp và tập vận động vùng chi thể bị sẹo.
1.2.5. Đặt tư thế đúng tránh co kéo:
Đối với các bỏng sâu, diện rộng khi liền sẹo sẽ có xu hướng co kéo làm mất tư thế chức năng của thân thể. Bởi vậy chỉnh tư thế đúng là đặt chi thể ở vị trí ngược lại với xu hướng co kéo, cụ thể một số vị trí như sau:
– Cổ: giữ tư thế duỗi quá mức bằng kê gối dưới vai để tránh biến dạng gập cổ, sệ môi dưới và giới hạn tầm vận động hàm dưới.
– Cột sống: ngăn ngừa vẹo cột sống đối với bỏng 1 bên, gù lưng đối với bỏng ngực hay bụng, ưỡn lưng đối với bỏng thắt lưng. – Nách: đặt khớp vai dạng 90 độ (có thể dùng máng đỡ) để tránh biến dạng khép vai.
– Khuỷu và gối: đặt tư thế duỗi tránh biến dạng gấp.
– Háng: đặt tư thế duỗi thẳng và dạng 60 độ.
– Cổ chân, bàn chân: ngăn ngừa co ruý gân gót bằng đặt bàn chân tư thế 90 độ.
– Cổ tay, bàn tay: giữa bàn tay gấp tối đa, tránh co rút mặt mu, tách rời các ngón tay…
– Ngực: tập thở hàng ngày tránh co rút cơ hô hấp.
– Mặt: tập cơ mặt để tránh biến dạng mặt.
2. PHCN bệnh nhân sau ghép da do bỏng.
Điều trị ghép da được chỉ định đối với các vết bỏng sâu, diện tích rộng, hết nhiễm khuẩn, đã mọc tổ chức hạt., nhằm mục đích:
– Ngăn ngừa tái nhiễm khuẩn vết bỏng.
– Ngăn ngừa mất nước do bốc hơi, thoát dịch qua vết bỏng.
– Bảo vệ các cơ quan, mô phía dưới tổn thương (mạch máu, thần kinh, cơ, gân, xương). Mục tiêu hàng đầu của phẫu thuật ghép da là phải làm cho da bám và sống được, bởi vậy cần bất động vùng ghép 5-7 ngày nếu là vùng ít chịu lực, và 10-15 ngày đối với vùng chịu lực hoặc gần khớp.
Phương pháp PHCN:
– Trong thời gian bất động: tập co cơ tĩnh vùng bất động và tập chủ động các phần không cần bất động.
– Sau khi thay băng: nếu miếng ghép đã bám tốt và sống, có thể ngâm vùng ghép trong nước sạch có pha muối 0,9% đồng thời cho tập nhẹ nhàng.
– Sau giai đoạn bất động: xoa bóp nhẹ nhàng bằng các ngón tay lên vùng da ghép, miết sâu xung quanh để làm mềm miếng da ghép và ngăn ngừa kết dính, nhưng cần thận trọng để không làm bong mảnh da đã ghép.
+ Trong trường hợp da ghép toàn phần (ghép tất cả bề mặt da), dùng siêu âm để ngăn ngừa hình thành sợi dưới lớp da: do tác dụng của siêu âm gây ra những xung động vi thể trong tổ chức, có tác dụng ngăn ngừa sự kết dính tổ chức, thậm chí có thể phá vỡ các tổ chức đã kết dính ngăn ngừa sẹo dính. Nên sử dụng siêu âm ngắt quãng cho phép tăng cường độ sóng âm để tăng hiệu quả điều trị nhưng không gây tăng nhiệt quá mức; nếu vùng tổn thương rộng có thể áp dụng thiết bị siêu âm qua nước.
+ Cho người bệnh vận động tích cực và đi lại sớm; nếu chi dưới bị bỏng hoặc là vùng lấy da để ghép, khi BN đi đứng cần băng vùng đó lại bằng băng cao xu để bảo vệ lớp da còn mỏng cho đến khi da dày tốt (khoảng 2-3 tháng).
– Tâm lý liệu pháp: do BN bỏng bị xáo trộn về tâm lý, do đó song song với các biện pháp điều trị phục hồi, cần tiến hành các biện pháp tâm lý để người bệnh hiểu và hợp tác tốt trong quá trình điều trị.
ST