Tìm hiểu về lưng & cột sống

Tìm hiểu về lưng & cột sống

Tìm hiểu về lưng & cột sống

Tìm hiểu về lưng & cột sống.Cột sống được tạo thành từ nhiều xương nhỏ (đốt sống) xếp chồng lên nhau, chạy từ nền sọ xuống xương chậu. Giữa hai đốt sống là một miếng đệm mềm, giống như gel được gọi là đĩa đệm, có chức năng giảm xóc và ngăn các xương cọ xát vào nhau. Cột sống định hình cấu trúc và nâng đỡ cơ thể, đồng thời bảo vệ tủy sống. Tủy sống chứa các dây thần kinh có chức năng gửi và nhận thông tin giữa não và cơ thể, cho phép các cơ quan hoạt động bình thường và kiểm soát cử động. Chấn thương cột sống có thể xảy ra khi bị ngã do tai nạn, và trong những trường hợp nặng, bệnh nhân có thể bị liệt nếu chấn thương ảnh hưởng đến tủy sống.

  • Các chấn thương lưng & cột sống thường gặp

    Đau lưng dưới

    Đau lưng dưới là một trong những bệnh lý thường gặp nhất liên quan đến sức khỏe cột sống. Có nhiều nguyên nhân gây đau lưng dưới. Một trong những nguyên nhân thường gặp là tổn thương cơ lưng dưới tiến triển từ từ do tư thế xấu, ngủ sai tư thế, kỹ thuật nâng không đúng cách hoặc vận động quá mức trong thời gian dài. Những tổn thương này có thể ảnh hưởng đến diện khớp liên kết 2 đốt sống trên cột sống và các đĩa đệm giảm xóc giữa hai đốt sống. Theo thời gian, các hoạt động hàng ngày cũng có thể dẫn đến tổn thương nhỏ ở những vùng này và cản trở việc cử động cũng như thực hiện chức năng trơn tru. Do đó, sẽ xuất hiện những cơn đau, hạn chế về cử động và tình trạng thoái hóa, dẫn đến đau toàn bộ vùng lưng dưới, không rõ nguyên nhân.

    Các dấu hiệu và triệu chứng bao gồm đau lưng, đau xuất chiếu hoặc thay đổi cảm giác ở bàn chân, đau khi phải chịu sức nặng, đau khi ho hoặc hắt hơi, co thắt cơ và hạn chế cử động. Phương pháp điều trị sẽ khác nhau tùy thuộc vào tình trạng lâm sàng và độ nặng của tổn thương. Hãy trao đổi với bác sĩ để tìm hiểu về tổn thương ảnh hưởng đến khả năng vận động của bạn và các phương pháp điều trị hiện có.

  • Thoái hóa cột sống

    Thoái hóa cột sống, còn gọi là viêm xương khớp cột sống, là tình trạng thoái hóa các khớp cột sống, thường ảnh hưởng đến đĩa đệm, dây chằng và khớp. Thoái hóa cột sống khiến đĩa đệm mất đi sự hỗ trợ của đệm lót giữa các đốt sống (xương cột sống) và khiến dây chằng dày lên hoặc yếu đi, có thể gây ra vết nứt nhỏ do chèn ép trong đốt sống, làm xương yếu đi rất nhiều và trượt khỏi vị trí. Tình trạng này còn được gọi là trượt đốt sống. Các nguyên nhân chính dẫn đến thoái hóa cột sống bao gồm chèn ép lặp đi lặp lại ở cột sống, hao mòn do tuổi tác và chấn thương. Trong những trường hợp nặng, thoái hóa cột sống có thể tạo áp lực đè lên rễ thần kinh, gây đau hoặc cảm giác ngứa ran ở chân hoặc cánh tay.

    Các dấu hiệu và triệu chứng

    Hầu hết bệnh nhân đều không có triệu chứng và thậm chí không biết mình bị viêm xương khớp cột sống. Các dấu hiệu thường gặp khi triệu chứng xuất hiện bao gồm:

    – Đau lưng dưới
    – Đau lan xuống chân
    – Khó giữ lưng ở tư thế thẳng

    Chẩn đoán

    Bác sĩ có thể kiểm tra bệnh sử của bạn và tiến hành khám lâm sàng để quan sát tư thế, tình trạng thể chất, phạm vi cử động và bất kỳ triệu chứng đau nào xảy ra khi cử động. Bác sĩ có thể đề xuất thực hiện các thủ thuật kiểm tra chẩn đoán sau đây để tìm hiểu mức độ nghiêm trọng của chấn thương:

    – Chụp X-quang
    – Chụp cộng hưởng từ (MRI)
    – Chụp cắt lớp vi tính (CT)

    Phương pháp điều trị

    Bác sĩ có thể kê thuốc kháng viêm không phải steroid (NSAIDS) để giúp giảm triệu chứng đau. Vật lý trị liệu cũng có thể giúp tăng phạm vi cử động theo thời gian. Nếu các triệu chứng vẫn kéo dài hoặc có dấu hiệu cho thấy dây thần kinh bị chèn ép nghiêm trọng, bạn có thể được đề nghị tiến hành phẫu thuật giải ép hoặc thực hiện một thủ thuật gọi là hàn cột sống. Điều quan trọng là phải trao đổi với bác sĩ để tìm hiểu tình trạng của bạn và xác định phương pháp điều trị phù hợp nhất.

  • Đau thần kinh tọa

    Đau thần kinh tọa, còn gọi là bệnh lý rễ thắt lưng cùng, là cơn đau chạy dọc theo dây thần kinh tọa, kéo dài từ mặt sau xương chậu xuống mặt sau đùi. Dây thần kinh tọa là dây thần kinh lớn nhất trong cơ thể, và cũng là dây thần kinh chính của chân. Dây thần kinh tọa kiểm soát các cơ ở mặt sau cẳng chân và đầu gối, mang lại cảm giác cho mặt sau của đùi, một phần cẳng chân và lòng bàn chân. Đau thần kinh tọa thường xảy ra do thoát vị hoặc “trượt” đĩa đệm ở cột sống, dẫn đến chèn ép dây thần kinh cột sống. Các nguyên nhân ít phổ biến hơn bao gồm chấn thương hoặc nhiễm trùng cột sống, khối tăng sinh trong cột sống (u) hoặc hẹp cột sống (tình trạng hẹp các đoạn thần kinh ở cột sống).

    Các dấu hiệu và triệu chứng

    Các triệu chứng thường gặp của đau thần kinh tọa bao gồm:

    – Đau lan xuống một chân
    – Đau lưng dưới lan xuống mông và/hoặc mặt sau một bên đùi
    – Thay đổi về cảm giác, ví dụ như tê, cảm giác kim châm, cảm giác kiến bò
    – Yếu

    Các triệu chứng có sự khác nhau ở mỗi người. Hãy trao đổi với bác sĩ nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào.

    Chẩn đoán

    Bác sĩ có thể kiểm tra bệnh sử của bạn và thực hiện khám lâm sàng. Có thể sử dụng các thủ thuật kiểm tra chẩn đoán sau đây để tìm hiểu mức độ nghiêm trọng của bệnh:

    – Chụp X-quang
    – Chụp cộng hưởng từ (MRI)

    Phương pháp điều trị

    Bác sĩ có thể kê thuốc kháng viêm không phải steroid (NSAIDS) để giúp giảm triệu chứng đau. Vật lý trị liệu cũng có thể giúp tăng phạm vi cử động theo thời gian. Nếu các triệu chứng vẫn kéo dài, bạn có thể được đề nghị tiến hành phẫu thuật để loại bỏ áp lực chèn ép lên dây thần kinh cột sống bị ảnh hưởng. Điều quan trọng là phải trao đổi với bác sĩ để tìm hiểu tình trạng của bạn cũng như phương pháp điều trị.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang