Phục hồi chức năng trẻ bại não

1. Định nghĩa: Bại não là một trạng thái rối loạn thần kinh TƯ không tiến triển, gây nên do tổn thương não bởi nhiều nguyên nhân ảnh hưởng vào giai đoạn trước, trong và sau khi sinh với những hậu quả đa dạng bao gồm thất thường về vận động, giác quan, tâm thần và hành vi. Các triệu chứng của bại não có thể nhẹ nhàng hoặc rất nặng nề ở các trẻ khác nhau tùy theo tổn thương não nhưng ở một trẻ nhất định thì triệu chứng không nặng lên khi trẻ lớn hơn. Nói một cách khác, bại não là một bệnh tĩnh, nghĩa là các tổn thương đã định hình và không tiến triển xấu hơn nữa. Nếu được điều trị, phần lớn trẻ em bại não có thể cải thiện đáng kể được những khả năng của mình. Định nghĩa này rất quan trọng để phân biệt bại não với các tình trạng tổn thương thần kinh khác có tổn thương não hoạt động và do đó triệu chứng tâm thần vận động sẽ càng ngày càng nặng hơn. Bệnh bại não thường được chẩn đoán khi trẻ lên 2 đến 3 tuổi. Khoảng 2 đến 3 trẻ trong khoảng 1.000 trẻ ở độ tuổi lên ba mắc bệnh bại não. Có khoảng 500.000 trẻ em và người lớn ở mọi lứa tuổi trên toàn quốc mắc bệnh bại não.

2. Nguyên nhân bại não

2.1. Nguyên nhân trước sinh:

– Nhiễm trùng trong thai kỳ: Các nhiễm trùng ở phụ nữ có thai như rubella (sởi Đức), cytomegalovirus và toxoplasmosis có thể gây tổn thương não của bào thai và gây bại não sau này. Các nhiễm trùng khác như nhiễm trùng ối, nhiễm trùng hệ tiết niệu – sinh dục của người mẹ cũng có thể gây nên sinh non, một nguy cơ khác của bại não.

– Thiếu khí não bào thai: Khi chức năng của nhau thai bị giảm sút (suy nhau thai) hoặc bị bóc tách khỏi thành tử cung trước khi sinh (nhau bong non) hoặc do chảy máu do sai lệch vị trí (nhau tiền đạo) có thể làm giảm lượng ôxy cung cấp cho thai nhi.

– Bất đồng nhóm máu: Bất đồng nhóm máu Rh là sự bất tương hợp nhóm máu giữa mẹ và bào thai gây nên vàng da trầm trọng và tổn thương não dẫn đến bại não. Bệnh này thường gặp ở người da trắng còn ở Việt Nam rất hiếm gặp vì tỷ lệ mang Rh (-) cực kỳ hiếm gặp. Tuy nhiên ở Việt Nam có thể gặp bất đồng nhóm máu ABO giữa mẹ và thai nhi. Một bệnh khác rất nặng nề mặc dù biện pháp phòng ngừa cực kỳ đơn giản là xuất huyết não do thiếu Vitamin K ở trẻ sơ sinh và nhũ nhi cũng gây nên bại não. Các bệnh rối loạn chức năng đông máu khác cũng có thể là nguyên nhân của bại não vì làm tăng nguy cơ chảy máu trong não.

– Mẹ bị bệnh đái tháo đường, nhiễm độc thai nghén.

– Di truyền (yếu tố gia đình).

– Vô căn (30% trẻ bại não không tìm thấy nguyên nhân).

VLTLBNAO

2.2. Nguyên nhân khi sinh:

– Sinh non: Sinh non là trẻ sinh ra trước 37 tuần thai tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt cuối cùng trước khi có thai. Những trẻ sinh non đặc biệt trước 32 tuần và nhất là trước 28 tuần thai có nguy cơ bại não rất cao. Một nghiên cứu cho thấy những trẻ sinh non có cân nặng lúc sinh thấp hơn 1500 gram có nguy cơ bại não cao gấp 30 lần so với trẻ sinh đủ tháng (trẻ sinh từ 37 đến 42 tuần thai). Lý do là trẻ sinh non có nguy cơ rất cao bị xuất huyết não gây tổn thương các tổ chức mong manh đang phát triển của não hoặc gây nên chứng nhuyễn hóa chất trắng quanh não thất.

– Ngạt trong quá trình chuyển dạ và sinh nở: Cho mãi đến gần đây người ta vẫn còn tin tưởng rộng rãi là ngạt (thiếu ôxy) trong quá trình chuyển dạ và sinh nở là nguyên nhân của hầu hết các trường hợp bại não. Tuy nhiên như trên đã nói, theo nghiên cứu của Hội Sản và Phụ khoa Hoa Kỳ và Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ thì ngạt chỉ chiếm 10% trong tổng số các bệnh nhân bại não. – Đẻ khó phải can thiệp bằng thủ thuật sản khoa như: giác hút, fooc-xep, mổ đẻ…

– Sang chấn sản khoa.

2.3. Nguyên nhân sau khi sinh:

– Vàng da nhân: Vàng da trẻ sơ sinh là do sự tích tụ trong máu một loại sắc tố có tên billirubin do tốc độ phá hủy hồng cầu cao và chức năng gan chưa trưởng thành ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ đẻ non. Trong trường hợp nặng, sắc tố này có thể vượt qua hàng rào mạch máu – não và lắng đọng chủ yếu ở các nhân nền của não (do đó có tên là vàng da nhân) và làm tổn thương các cấu trúc này đưa đến thể bại não kèm múa vờn.

– Các bất thường bẩm sinh: Các trẻ có bất thường cấu trúc hệ thần kinh, nhiều bệnh di truyền khác cũng làm tăng nguy cơ bại não.

– Bại não mắc phải: Trẻ mắc các chứng bệnh gây tổn thương thần kinh trong hai năm đầu tiên của đời sống ví dụ như Trẻ bị sốt cao co giật, viêm màng não mủ, viêm não, chấn thương sọ não, xuất huyết não, khối u não, thiếu ô xy do ngập nước, ngộ độc hơi,…

3. Phân loại bại não. Có 3 cách phân loại bại não:

3.1. Phân loại theo rối loạn vận động:

3.1.1. Bại não thể liệt cứng (Spasticity).

Trong tổng số những người bị mắc bệnh bại não thì có đến 70 đến 80 phần trăm số người bị mắc bệnh bại não thể liệt cứng với các cơ co cứng, cử động khó khăn. Khi cả hai chân đều bị liệt (liệt cứng hai chi dưới), đứa trẻ có thể gặp khó khăn khi đi bởi vì các cơ bó sát trong hông và chân làm cho hai chân chụm vào nhau và giao nhau tại đầu gối (còn được gọi là cắt kéo). Trong những trường hợp khác, chỉ một bên cơ thể bị liệt (liệt cứng nửa người), và cánh tay thường bị liệt nghiêm trọng hơn chân. Trường hợp nghiêm trọng nhất là liệt cứng tứ chi, trong đó cả bốn chi và thân người bị liệt và thường thì cả các cơ điều khiển mồm và lưỡi cũng bị liệt. Trẻ em bị liệt cứng tứ chi bị chậm trí và có những vấn đề khác.

3.1.2. Bại não thể múa vờn (Athetosis). Trong tổng số những người mắc bệnh bại não thì có khoảng 10 – 20% số người mắc bệnh bại não thể múa vờn, căn bệnh gây ảnh hưởng tới toàn bộ cơ thể. Đây là thể bệnh được đặc trưng bằng sự thay đổi thất thường của trương lực cơ (lúc tăng, lúc giảm) và thỉnh thoảng có những cử động không kiểm soát được (có thể là những cử động chậm và đau hoặc nhanh và giật giật). Trẻ mắc bệnh này thường khó có tư thế ngồi hoặc dáng đi bình thường. Do các cơ điều khiển nét mặt và lưỡi cũng bị ảnh hưởng cho nên người bệnh cũng gặp khó khăn khi bú, nuốt và nói.

3.1.3. Bại não thể thất điều (Ataxia). Trong tổng số những người mắc bệnh bại não thì có khoảng 5 – 10% số người mắc bệnh bại não thể thất điều, căn bệnh ảnh hưởng đến khả năng cân bằng tư thế và phối hợp động tác. Người bệnh có thể đi nhưng với một dáng điệu không vững và gặp khó khăn với những cử động cần phải có sự phối hợp chính xác, ví dụ như viết.

3.1.4. Thể cứng đờ (Rigidity): thể này ít gặp, biểu hiện bằng cứng đờ (co cứng toàn diện), do tổn thương nặng nề thần kinh TW. Người bệnh mất vận động do sự đề kháng liên tục của các nhóm cơ vận và đối vận với trương lực gia tăng. Sự cứng đờ có thể liên tục hoặc từng hồi.

3.1.5. Thể liệt nhẽo (Flaccidty): Thể này rất ít gặp, trẻ liệt do giảm hoặc mất trương lực cơ, tiên lượng xấu vì phục hồi rất khó.

3.2. Phân loại theo phân bố định khu các rối loạn vận động:

– Liệt tứ chi.

– Liệt nửa người.

– Liệt hai chi dưới.

– Liệt một chi, ba chi.

3.3. Phân loại theo mức độ: Có 3 mức độ căn cứ theo rối loạn vận động gây hạn chế khả năng thực hiện các sinh hoạt hàng ngày:

– Loại nhẹ: trẻ tự đáp ứng được các nhu cầu hàng ngày, di chuyển không cần trợ giúp, không có khiếm khuyết về tiếng nói, có khả năng tự đến trường. Loại này không cần điều trị phục hồi.

– Loại vừa: thiếu khả năng từ chăm sóc và di chuyển, có khiếm khuyết tiếng nói. Cần điều trị phục hồi.

– Loại nặng: khả năng tự chăm sóc, di chuyển rất kém, cần được điều trị phục hồi đặc biệt.

4. Các dấu hiệu nhận biết trẻ bại não. Nếu trong thai kỳ, đặc biệt vào những tháng đầu tiên, mẹ bị các bệnh như cúm, sởi Đức, hoặc dùng một số thuốc có khả năng gây quái thai hoặc ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của ống thần kinh thì cần theo dõi đặc biệt. Những trẻ có tiền sử sinh non, ngạt chu sinh cũng là những đối tượng có nguy cơ cao.

4.1. Trẻ bại não thường có các dấu hiệu sớm sau đây:

– Khi đẻ ra không khóc ngay hoặc khóc yếu, tím tái.

– Sau khi sinh thường mềm nhẽo, không vận động.

– Phát triển chậm hơn trẻ khác (chậm biết giữ đầu cổ, biết ngồi và đi).

– Không biết cầm nắm bằng hai tay hoặc chỉ cầm bằng một tay.

– Mút, bú khó khăn, hay sặc sữa.

– Khó bế ẵm, tắm rửa, thay quần áo cho trẻ vì người trẻ cứng đờ.

– Đầu rũ xuống, không ngẩng lên được.

– Nghe khó, nhìn khó.

– Khó khăn trong giao tiếp.

– Có thể bị động kinh (cơn co giật, bất tỉnh, sùi bọt mép).

– Thay đổi tính cách bất thường (đột nhiên khóc, rồi lại cười, hay sợ hãi, co giật, tức giận).

– Khả năng thăng bằng kém.

4. Phục hồi chức năng trẻ bại não.

Nếu được điều trị, phần lớn trẻ em bại não có thể cải thiện đáng kể được những khả năng của mình. Mặc dù các triệu chứng có thể thay đổi theo thời gian nhưng theo như định nghĩa thì bại não là một căn bệnh không diễn tiến, vì thế nếu người bệnh càng ngày càng yếu đi thì nguyên nhân có thể là do một vấn đề nào khác chứ không phải là do bại não.

4.1. Nguyên tắc điều trị phục hồi:

– Cần phải tiến hành sớm với sự tham gia của người thân bệnh nhân để việc điều trị được liên tục.

– Có nhiều phương pháp được đề xuất , nhưng dù phương pháp nào cũng phải có một chương trình đầy đủ bào gồm: phục hồi các rối loạn vận động như làm bớt co cứng, múa vờn hay rối loạn trương lực cơ; tập luyện khả năng điều khiển tự chủ; điều trị các rối loạn thính giác, thị giác, động kinh nếu có.

– Tập luyện chức năng cho trẻ bại não có đặc điểm là trẻ chưa hề biết những động tác mà KTV tập cho nó, nên cần tiến hành theo trình tự phát triển vận động của trẻ bình thường.

5.2. Phương pháp PHCN một số dạng của bại não.

5.2.1. Thể co cứng:

a) Mục đích:

– Ngăn ngừa biến dạng co rút.

– Giảm co cứng và tập luyện cơ.

– Tập luyện chức năng và sinh hoạt.

b) Phương pháp:

– Vận động thụ động , kéo giãn, tư thế và dụng cụ chỉnh hình như nẹp, máng, để ngăn ngừa co rút.

– Tạo thư giãn để giảm co cứng bằng vận động thụ động nhịp nhàng chậm hoặc bằng kỹ thuật ức chế Bobath. Sau đó tập cử động điều hợp từng khớp và nhiều khớp kki đã có tiến bộ.

– Tập luyện những chức năng của đời sống hàng ngày theo trình tự phát triển bình thường: lật, trườn, bò, quỳ, đứng và đi. Tuỳ từng trường hợp của đứa trẻ được tập đi nạng hoặc sử dụng xe lăn. Đối với chi trên, tập các cử động đơn giản như nắm và buông trước khi tập các động tác phức tạp dùng vào việc ăn uống, tắm rửa, thay quần áo.

– Hoạt động trị liệu dưới hình thức trò chơi được áp dụng để cải thiện chắc năng của chi trên cũng như chi dưới.

4.2.2. Thể múa vờn:

a) Mục đích:

– Tập luyện cử động hữa hiệu và điều hợp.

– Tập chức năng sinh hoạt.

b) Phương pháp:

– Muốn tạo được cử động có điều hợp, bước đầu cần hạn chế cử động ở các chi và chỉ tay hay chân cử động ở một khớp mà thôi. Ví dụ: chi trên bất động ở khớp vai và chỉ cho trẻ cử động gập duỗi khớp khuỷu. Khi đứa trẻ đã gập duỗi khớp khuỷu có điều hợp mới cho tập cử động vai. Ở chi dưới, dùng nẹp chân dài để hạn chế cử động ở đầu gối và tập đi với nạng mà đầu được gắn thêm một miếng chì cho vững chắc.

4.2.3. Thể thất điều – mất điều hợp: Bại não thể không điều hợp thường do tổn thương tiểu não. Nguyên tắc tập luyện là kiên nhẫn lậ đi lập lại nhiều lần những cử động thường dùng trong sinh hoạt hàng ngày cho đến khi đạt sự điều hợp.

5. Hoạt động trị liệu trẻ bại não.

5.1. Mục đích HDTL:

– Tăng cường vận động, giác quan cảm giác và ngôn ngữ ở trẻ nhỏ.

– Lượng giá và hướng nghiệp cho trẻ lớn.

5.2. Phương pháp:

a) Đối với trẻ nhỏ:

* Đặt đúng tư thế khi nằm: chống lại tư thế co cứng.

– Nếu trẻ nằm hai chân duỗi chéo nhau thì có thể dùng khố đóng để tách ra hoặc cố định 2 chân.

– Nếu trẻ thường ưỡn người ra sau, nên đặt nằm nghiêng, nằm võng hoặc trên thùng phi.

– Nếu trẻ không ngẩng đầu hoặc nhấc tay ra được: Đặt trẻ ở tư thế chống 2 tay.

– Nằm ngửa không tốt đối với trẻ bại não.

* Tư thế khi ngồi:

– Nếu 2 chân trẻ bắt chéo vào nhau và xoay vào trong, khớp vai sệ xuống, 2 tay xoay vào trong: Đặt trẻ ngồi tách 2 chân ra, nâng 2 vai lên, xoay chân tay ra ngoài.

– Nếu trẻ khó khăn khi ngồi: Giữ 2 chân cho trẻ .

– Trẻ có khả năng thăng bằng kém, hai chân thường bắt ngược ra sau (hình chữ W) để khỏi ngã: Không nên khuyến khích trẻ ngồi kiểu hình chữ W do có thể gây biến dạng khớp háng, gối.

– Nếu trẻ luôn dạng hai chân, mông ưỡn ra sau, khớp vai đưa ra sau, đầu tiên cần đặt trẻ ngồi sao cho thân ở tư thế gập về phía trước, 2 chân chụm vào nhau rồi đưa 2 vai ra trước và xoay vào trong. Sau đó, cùng chơi với trẻ trên bàn; ngồi đối diện với trẻ để trẻ phải với tay ra phía trước lấy đồ chơi. Chú ý đảm bảo để hai bàn chân đặt trên mặt phẳng.

– Trẻ nhỏ không đặt một vị trí quá 20 phút.

* Cách bế ẵm trẻ

– Nếu trẻ thường nằm với tư thế 2 tay co, 2 chân duỗi thì bế sao cho 2 tay duỗi thẳng, 2 gối và háng gập .

– Nếu trẻ có khả năng kiểm soát tốt hơn thì có thể bế ở tư thế ít cần trợ giúp .

* Lẫy và xoay người

– Nếu trẻ bị co cứng, phải làm giảm cứng bằng cách đẩy chân trẻ ra sau và ra trước; sau đó, giúp trẻ tập xoay người và lẫy. Lưu ý: Tìm trò chơi sao cho trẻ muốn xoay người và tự xoay người.

* Vui chơi:

– Để phát triển nhận thức và vận động.

– Tăng khả năng tập trung và trí nhớ.

– Lựa chọn trò chơi phù hợp theo tuổi.

– Chơi bóng.

– Âm nhạc.

– Ghép hình.

* Ăn uống: tập kiểm soát ăn uống.

* Mặc quần áo:

– Tập mặc quần áo cho trẻ co cứng.

– Tập mặc quần áo cho tre múa vờn.

– Mặc quần áo cho trẻ thăng bằng kém.

b) Đối với trẻ lớn: Lượng giá lao động trong tương lai.

– Đối với tre liệt bán thân: tập tốt bên liệt.

– Đối với trẻ múa vờn: dùng sự đề kháng để kiểm soát cử động.

ST

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top