Rối loạn tiền đình khi mang thai

Nhiều trường hợp bị rối loạn tiền đình khi mang thai với triệu chứng như chóng mặt, hoa mắt, mất thăng bằng… Việc điều trị rối loạn tiền đình khi đang mang thai bắt buộc phải có chỉ định của bác sĩ để tránh tác dụng phụ hoặc biến chứng.

1.1. Nguyên nhân

  • Rối loạn tiền đình là sự mất thăng bằng áp suất trong khoang tiền đình nằm ở ốc tai, có thể bắt nguồn từ một số nguyên nhân như:
  • Viêm tai mạn tính: Viêm ống tai ngoài hoặc viêm tai giữa;
  • Viêm niêm mạc ốc tai tiền đình;
  • Thiếu máu não/ thiểu năng tuần hoàn não lâu ngày;
  • Huyết áp thấp/ cao;
  • Bệnh lý cột sống cổ: Thoái hóa, thoát vị, viêm, hẹp thân đốt…;
  • Tăng mỡ máu;
  • Môi trường sống ô nhiễm;
  • Thay đổi thời tiết khi chuyển mùa;
  • Nhiễm độc hóa chất, thuốc, hoặc do ăn uống…;
  • Bệnh lý cơ quan tạo máu.

Đối với phụ nữ mang thai, đặc biệt là 3 trong tháng đầu, thường bị ốm nghén dẫn đến chán ăn. Chính điều này đã khiến cơ thể không đủ dinh dưỡng, thiếu máu lên não khiến thai phụ chóng mặt, chao đảo. Bên cạnh đó, yếu tố tâm sinh lý cũng ảnh hưởng không nhỏ đến bộ phận tiền đình, đồng thời những mệt mỏi về thể chất đã tác động trực tiếp đến sức khỏe bà bầu dẫn tới hội chứng rối loạn tiền đình khi đang mang thai.

1.2. Dấu hiệu

Một số triệu chứng thường thấy của rối loạn tiền đình khi mang thai là:

  • Mệt mỏi, uể oải;
  • Thay đổi cảm xúc, tâm trạng;
  • Dễ nóng giận, khó chịu;
  • Nôn mửa và ù tai;
  • Chóng mặt, đau đầu xuất hiện vào buổi sáng thức dậy hoặc nửa đêm, càng gần về sáng càng nặng hơn;
  • Tê bì chân tay;
  • Huyết áp tụt nhanh;
  • Mạch đập bất thường.

Có thể thấy, bà bầu bị rối loạn tiền đình thường có biểu hiện đau đầu, chóng mặt, không ngồi dậy được, buồn nôn và nôn, … tương tự như dấu hiệu ốm nghén hoặc các thay đổi hormone trong thai kỳ. Hiện tượng rối loạn tiền đình khi đang mang thai cũng là một trong những nguyên nhân gây nên bệnh trầm cảm rất đáng lo ngại. Do đó để đảm bảo an toàn, thai phụ cần phải được bác sĩ tại những cơ sở y tế có uy tín thăm khám mới có thể xác định đúng tình trạng cơ thể và có hướng điều trị tốt nhất.

2. Thuốc điều trị rối loạn tiền đình khi mang thai

Hai loại thuốc thường được chỉ định điều trị rối loạn tiền đình là piracetam (Cetampir 800mg) và acetyl-DL-Leucine (Tanganil 500mg). Mặc dù thuốc không được khuyến cáo sử dụng cho phụ nữ có thai và cũng chưa có dữ liệu về tính an toàn của chúng trong thai kỳ, tuy nhiên việc chỉ định dùng thuốc sẽ tùy thuộc vào cân nhắc lâm sàng của bác sĩ. Nếu xét thấy lợi ích điều trị rối loạn tiền đình khi đang mang thai lớn hơn nguy cơ rủi ro thì bác sĩ sẽ cần thiết kê toa.

2.1. Piracetam Cetampir 800mg

Cetampir 800mg chứa hoạt chất là piracetam, có tác động đến não và hệ thần kinh trung ương giúp bảo vệ hệ não bộ khỏi tình trạng thiếu hụt oxy. Liều lượng thường được chỉ định cho bà bầu bị rối loạn tiền đình có thể là 1 – 2 viên/ngày.

Theo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), thuốc này thuộc nhóm thuốc N (Vẫn chưa biết) đối với thời kỳ mang thai. Trên hướng dẫn sử dụng của Piracetam Cetampir 800mg thường yêu cầu chú ý đề phòng với đối tượng mang thai và cho con bú.

Hiện nay vẫn chưa có đầy đủ các nghiên cứu để xác định rủi ro khi dùng thuốc này trong thai kỳ hoặc cho con bú. Do đó trước khi dùng thuốc thai phụ cần phải thông qua ý kiến bác sĩ để cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ.

Bà bầu sử dụng thuốc cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước

 

2.2. Acetyl-DL-Leucine Tanganil 500mg

Tanganil 500mg chứa hoạt chất là acetyl-DL-Leucine, được dùng kiểm soát triệu chứng chóng mặt trong hội chứng rối loạn tiền đình. Thuốc đào thải qua thận và chuyển hóa ở gan. Dữ liệu về ảnh hưởng của Tanganil trên phụ nữ có thai và cho con bú là rất hạn chế. Vì vậy, dù không có chống chỉ định, nhưng tốt hơn hết phụ nữ đang cho con bú hoặc bà bầu bị rối loạn tiền đình chỉ nên sử dụng thuốc trong những trường hợp nghiêm trọng và cần tuyệt đối tuân theo chỉ định của bác sĩ. Liều lượng Tanganil 500mg thường dùng cho bà bầu bị rối loạn tiền đình có thể là 1 – 2 viên/ngày.

Ngoài ra, hoạt chất acetyl leucine có thể gây ra khó chịu ở một số người khi sử dụng và tương tác với các thuốc khác, do đó người bệnh cần thông báo với bác sĩ tất cả những thuốc đang sử dụng để được kê toa thích hợp.

2.3. Các loại thuốc khác

Trong trường hợp bị đau đầu nặng kèm theo suy nhược cơ thể, bác sĩ cũng có thể cho thai phụ uống khẩn cấp 1 viên Acetab 650mg chứa hoạt chất paracetamol, hoạt huyết dưỡng não và Vitamin B6. Đây được xem là những loại thuốc tương đối an toàn khi sử dụng trong thai kỳ.

3. Lưu ý cho bà bầu bị rối loạn tiền đình

Nhìn chung, cho đến nay vẫn chưa có dữ liệu đầy đủ về tính an toàn của hai hoạt chất piracetam (Cetampir 800mg) và acetyl-DL-Leucine (Tanganil 500mg) khi dùng trong thai kỳ. Tuy nhiên trong trường hợp thai phụ không trình bày rõ với bác sĩ hoặc tự ý mua thuốc về sử dụng và chỉ mới dùng 1 viên duy nhất thì cũng không cần phải quá lo ngại.

Mặt khác, nếu bác sĩ điều trị đã được thông báo về tình trạng mang thai và vẫn kê toa thì cần uống thuốc rối loạn tiền đình khi mang thai theo đúng chỉ định. Bà bầu bị rối loạn tiền đình cũng nên thông tin cho bác sĩ sản khoa về tình trạng bệnh lý cũng như tất cả loại thuốc đang sử dụng để được theo dõi thai kỳ chặt chẽ hơn.

Có nghiên cứu cho rằng hội chứng rối loạn tiền đình khi mang thai chủ yếu là do tâm lý. Vì vậy ngoài uống thuốc, bà bầu bị rối loạn tiền đình cũng cần:

  • Cải thiện tâm trạng lạc quan, yêu đời;
  • Điều chỉnh lại chế độ nghỉ ngơi, sinh hoạt;
  • Ăn các món bổ dưỡng giúp ngủ ngon giấc;
  • Tránh thức khuya và nên ngủ ít nhất 8 tiếng/ngày;
  • Hạn chế làm việc nặng và di chuyển quá nhiều, nhất là những tháng cuối thai kỳ;
  • Massage, xoa bóp bấm huyệt tại trung tâm trị liệu;
  • Thực hiện các bài tập thư giãn đầu óc nhẹ nhàng, đọc sách, xem phim để giảm stress.

Tóm lại, việc dùng thuốc chữa rối loạn tiền đình, nhất là rối loạn tiền đình khi đang mang thai, rất cần lưu ý đến tác dụng phụ và tương tác thuốc. Tránh tuyệt đối mua thuốc theo lời chỉ dẫn của người khác hay tư vấn của dược sĩ mà thông qua chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để không phải gặp biến chứng đáng tiếc ảnh hưởng thai thi. Người thân, đặc biệt là chồng, nên quan tâm, giúp đỡ việc nhà và chia sẻ tâm trạng cùng vợ để giúp tinh thần các bà bầu cảm thấy tốt hơn. Điều này rất quan trọng trong việc giảm các triệu chứng rối loạn tiền đình khi mang thai và có một thai kỳ thật khỏe mạnh.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top